xem cỡ chữ
T
Luôn đổi mới trong phương pháp giảng dạy
PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh bắt đầu công tác tại Học viện Chính trị khu vực II từ năm 1999. Quyết định từ bỏ công việc ổn định tại doanh nghiệp để theo đuổi sự nghiệp giáo dục của ông không hề dễ dàng, nhất là khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn. Tuy nhiên, niềm đam mê giáo dục, đặc biệt là đào tạo lý luận chính trị đã thôi thúc ông không ngừng phấn đấu…
Trong quá trình công tác, ông đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là việc cân bằng giữa giảng dạy và quản lý, giữa lý luận và thực tiễn. Thách thức lớn nhất đối với ông là duy trì sự tương tác với học viên và không ngừng tìm kiếm các phương pháp giảng dạy mới nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo. Để làm được điều đó, ông đã phải học hỏi không ngừng, từ sách vở, đồng nghiệp và thực tiễn để có thể mang lại những giá trị thiết thực nhất cho học viên.
Với vai trò là Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và quản lý các chương trình đào tạo nhằm phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Ông luôn chú trọng vào việc tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích học viên tham gia thảo luận các vấn đề thực tiễn và kết hợp lý luận với thực tế để các tiết học đỡ nhàm chán và mang lại hiệu quả ứng dụng cao.
Một trong những sáng kiến nổi bật của ông là thiết kế các chương trình học tập tương tác, giúp học viên không chỉ hiểu rõ lý thuyết mà còn biết cách áp dụng vào công việc. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích đội ngũ giảng viên sử dụng các công cụ hiện đại như sơ đồ tư duy, học tập dựa trên tình huống nhằm nâng cao kỹ năng thực tiễn cho học viên.
Với vai trò của Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, ông luôn thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Ông cho rằng việc áp dụng công nghệ hiện đại và phương pháp giảng dạy tiên tiến là chìa khóa để giúp giảng viên trẻ truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả và tương tác sâu hơn với học viên. Qua đó, họ không chỉ là người truyền đạt mà còn là người tạo động lực, kích thích học viên phát triển tư duy sáng tạo và độc lập. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm và tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng lãnh đạo cho thế hệ trẻ, khuyến khích họ không ngừng rèn luyện phẩm chất lãnh đạo, luôn đặt lợi ích của cộng đồng và đất nước lên hàng đầu. Đồng thời, tạo ra một môi trường làm việc đoàn kết, nơi mà mọi người được khuyến khích chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và nghiên cứu.
“Tôi tin rằng sự thành công chỉ đến khi có sự cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Điều này, giúp tạo ra một môi trường học tập tích cực và thúc đẩy sự sáng tạo, đóng góp không ngừng vào sự phát triển của Học viện cũng như sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị của đất nước!” - PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh nhấn mạnh.
Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Một trong những nghiên cứu mà ông tự hào nhất là về sự tác động của các chính sách kinh tế đến phát triển bền vững tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh không chỉ cung cấp cơ sở lý luận vững chắc cho việc hoạch định chính sách mà còn góp phần vào việc tư vấn chính sách cho các địa phương về phát triển kinh tế bền vững. Những nghiên cứu của ông không chỉ là sự đóng góp về mặt khoa học mà còn mang lại giá trị thực tiễn, giúp cán bộ lãnh đạo có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về phát triển bền vững.
Ngoài ra, ông đã tham gia biên soạn nhiều sách chuyên ngành, đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ, giảng viên, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực chính trị.
Phải khẳng định rằng, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh là tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước. Ông đã đạt được nhiều thành tựu trong phong trào này, góp phần lan tỏa tinh thần cống hiến, sáng tạo và đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, giảng viên tại Học viện Chính trị khu vực II.
Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý. Từ năm 2015 đến nay, ông liên tục được trao tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương từ các Bộ, ban ngành.
Đặc biệt, năm 2019, ông được Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng khen, ghi nhận những đóng góp đặc biệt của ông cho sự nghiệp chính trị và giáo dục.
Năm 2020, ông được công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng chính trị của Đảng. Với ông, thi đua yêu nước không chỉ là đạt thành tích mà còn là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh khẳng định: “Phong trào thi đua yêu nước là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo lý luận chính trị. Đối với tôi, thi đua không chỉ là những thành tích mà còn là sự khơi dậy tinh thần trách nhiệm và cống hiến của mỗi cá nhân đối với cộng đồng và đất nước. Phong trào thi đua yêu nước tại Học viện đã giúp lan tỏa tinh thần đoàn kết, sáng tạo và phấn đấu không ngừng nghỉ trong đội ngũ cán bộ, giảng viên. Từ đó, chúng tôi không chỉ giảng dạy mà còn là tấm gương về sự cống hiến và nỗ lực”.
Với tầm nhìn và sự tận tụy hết mình, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh đã giúp Học viện Chính trị khu vực II trở thành một đơn vị đào tạo lý luận chính trị hàng đầu, đáp ứng yêu cầu của thời đại hội nhập quốc tế và phát triển kỹ thuật số.
Nỗ lực đóng góp cho cộng đồng!
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kỹ thuật số, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh nhận thấy cả cơ hội và thách thức đối với hệ thống giáo dục chính trị. Ông cho rằng, hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội hợp tác và trao đổi về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục. Việt Nam đã tham gia sâu vào các Hiệp định thương mại tự do và hợp tác với các tổ chức quốc tế, tạo ra những cơ hội lớn cho việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
Thời đại kỹ thuật số mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế số và Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh cũng cảnh báo về những thách thức như nguy cơ mất an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu và sự bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ giữa các vùng miền. Ông cho rằng, để đối phó với những thách thức này, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao năng lực nội tại, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo ông, trong thời đại toàn cầu hóa và kỹ thuật số, các học viên trong ngành chính trị cần được đào tạo để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu và kinh tế số. Do vậy, đổi mới chương trình giảng dạy và cập nhật nội dung đào tạo là điều cần thiết để giúp học viên nắm bắt được những thách thức toàn cầu và tìm ra giải pháp phù hợp cho Việt Nam.
Việc đào tạo cán bộ lãnh đạo không chỉ dừng lại ở lý luận mà cần kết hợp với thực tiễn. Các chương trình đào tạo cần cung cấp kiến thức đa chiều, liên ngành và gắn liền với các vấn đề nóng bỏng như an ninh mạng, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh
“Tôi luôn đặt mục tiêu không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị tại Học viện. Trong tương lai, tôi mong muốn thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ số vào giảng dạy, tạo ra các nền tảng học tập hiện đại để học viên có thể tiếp cận tri thức một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời, tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống và phát triển kinh tế số, nhằm đóng góp cho việc hoạch định chính sách quốc gia. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và mô hình đào tạo lý luận chính trị với các cơ sở đào tạo quốc tế. Điều này sẽ giúp học viên tiếp cận được những phương pháp giáo dục tiên tiến, đồng thời mở rộng tầm nhìn và kỹ năng cho cả giảng viên và học viên” - PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh chia sẻ.
Với những định hướng rất rõ ràng trong hoạt động giáo dục, đào tạo, PGS. TS Nguyễn Tấn Vinh và đồng nghiệp tại Học viện Chính trị khu vực II đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng một hệ thống giáo dục chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời đại và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – UV Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết: “PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực II, luôn thể hiện vai trò xông xáo, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, tổ chức Đảng. Đồng chí đề xuất nhiều ý kiến tham mưu chất lượng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoạch định và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng uỷ. Với những nỗ lực không mệt mỏi, đồng chí Nguyễn Tấn Vinh đã đạt học hàm Phó Giáo sư và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp cũng như địa phương. Đồng chí cũng quan tâm chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, góp phần xây dựng các hoạt động đoàn thể phù hợp với chức năng và hỗ trợ tốt các nhiệm vụ chính trị của Học viện. Những hoạt động này đã tạo động lực và sự gắn kết trong tập thể cán bộ, viên chức. Với tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo và tận tâm, đồng chí Tấn Vinh đã cùng tập thể Ban Giám đốc đưa Học viện đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế và vai trò của Học viện trong hệ thống giáo dục chính trị cả nước”.
Tag:
Nguồn: baophapluat.vn
Video
Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II đón tiếp Đoàn đại biểu Trường Đảng Tỉnh uỷ Quảng Đông, Trung Quốc
Học viện Chính trị khu vực II tổ chức chuỗi các sự kiện chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 75 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam (1949 - 2024)
Lễ dâng hoa Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương Phòng Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh: Tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước
Hội thảo khoa học “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức trong tình hình mới”
Liên kết website