
Toàn cảnh Toạ đàm
Đến dự Toạ đàm, về phía đại biểu khách mời, có sự hiện diện bà Emmanuelle Pavillon - Grosser - Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh; Ngài Cédric Philibert - Chuyên gia cao cấp Viện Dịch vụ công Quốc gia, Cộng hòa Pháp; bà Trần Lan Hương - Trưởng Phòng Tư pháp - Pháp luật và Quản trị, Đại sứ quán Cộng hoà Pháp. Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; cùng các đồng chí trong đoàn công tác. Về phía Học viện Chính trị khu vực II, có sự tham dự của PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện; PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh - Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS. Phạm Tất Thắng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; Lãnh đạo các đơn vị, cùng toàn thể giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu chào mừng tại Toạ đàm
Phát biểu tại Toạ đàm, PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, chuyển đổi năng lượng không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực này thông qua các chính sách và định hướng chiến lược rõ ràng: (i) Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; (ii) Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 và gần đây là Quy hoạch điện VIII với trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo và giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; (iii) Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm G7, trong đó có Cộng hòa Pháp, là minh chứng cho nỗ lực chung, mang tính toàn cầu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi công bằng, bền vững.
PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Học viện Chính trị khu vực II luôn coi trọng vai trò của tri thức trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Học viện Chính trị khu vực II cam kết tiếp tục là cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, giữa khoa học và hành động - nơi quy tụ trí tuệ, hợp tác quốc tế và khát vọng phát triển vì một tương lai xanh. Đồng thời, đồng chí đánh giá cao vai trò và kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp - một quốc gia tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo, hạt nhân dân sự và các sáng kiến tăng trưởng xanh tại châu Âu.
PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng tin rằng, qua buổi Tọa đàm, các chuyên gia Pháp và các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ cùng nhau trao đổi cởi mở, tạo nền tảng cho những hợp tác thiết thực trong thời gian tới; mang lại nhiều góc nhìn mới, thúc đẩy các sáng kiến chung và góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và năng lượng sạch; là cơ hội quý báu để cùng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và những góc nhìn chiến lược nhằm hướng tới một tương lai phát triển hài hòa giữa con người - kinh tế - môi trường.

Bà Emmanuelle Pavillon - Grosser - Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Toạ đàm
Phát biểu tại Toạ đàm, bà Emmanuelle Pavillon - Grosser nhấn mạnh, Toạ đàm là sự kiện quan trọng, thể hiện sự phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Pháp nói chung, giữa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Học viện Chính trị khu vực II nói riêng. Trong thời gian gần đây, quan hệ song phương giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố và tăng cường, đặc biệt thông qua các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước. Từ khi Việt Nam và Cộng hoà Pháp nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, hợp tác song phương đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực then chốt như: Bảo đảm chủ quyền quốc gia; phát triển bền vững; đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ... Trong thời gian qua, hai quốc gia đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực hợp tác.
Chủ đề Toạ đàm là một trong những nội dung ưu tiên trong chiến lược hợp tác giữa hai quốc gia. Cộng hoà Pháp đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Luật chuyển đổi năng lượng vì tăng trưởng xanh năm 2015; Luật Năng lượng và Khí hậu năm 2019; Luật chống lãng phí vì một nền kinh tế tuần hoàn năm 2020; Luật thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân năm 2023... Bên cạnh đó, nhiều chương trình và chiến lược quốc gia cũng đã được triển khai nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng, trong đó nổi bật là Chiến lược phát triển bền vững và Chiến lược phát thải thấp... Đây là các công cụ quan trọng giúp hướng tới một mô hình tăng trưởng xanh, bền vững và có khả năng chống chịu cao. Cộng hoà Pháp luôn coi trọng và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu này. Các công cụ hỗ trợ tài chính của Cộng hoà Pháp là nguồn lực thiết thực, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho các đối tác tại Việt Nam, trong đó có Học viện Chính trị khu vực II - đặc biệt là trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều này thể hiện rõ tinh thần hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai quốc gia, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.
Bà Emmanuelle Pavillon - Grosser mong muốn, Toạ đàm là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp và Việt Nam về chuyển đổi năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại Toạ đàm
Tại tọa đàm, PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa khẳng định, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi sự lãnh đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giữ vai trò then chốt, tiên phong trong việc triển khai các chủ trương, quan điểm của Đảng, cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chuyển đổi năng lượng là mục tiêu chung quan trọng của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Cộng hòa Pháp, nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu và khu vực, đặc biệt là các vấn đề phát triển nhanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng cân bằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, vốn đòi hỏi mức tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đánh giá cao các cam kết của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí carbon và chuyển đổi năng lượng. Tổng thống Pháp khẳng định tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết này thông qua nhiều cơ chế hợp tác, đặc biệt trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đồng thời, Pháp cam kết hỗ trợ 500 triệu euro dưới hình thức vốn vay ưu đãi cho các dự án thuộc JETP tại Việt Nam. Việt Nam và Cộng hòa Pháp cam kết phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động chuyển đổi năng lượng, trong đó hợp tác công tư được xác định là điều kiện quan trọng, là cầu nối để huy động nguồn lực từ Chính phủ và khu vực tư nhân, đồng thời giảm thiểu rủi ro, mở rộng quy mô và triển khai hiệu quả các giải pháp tăng trưởng bền vững.
PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa nhấn mạnh, Tọa đàm là sự kiện đánh dấu mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Đại sứ quán Cộng hoà Pháp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực II; nhằm trao đổi, thảo luận các thách thức cũng như kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh tại khu vực Đông Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Trong khuôn khổ của Toạ đàm, đã diễn ra 02 Phiên: Phiên 1. Chuyển đổi năng lượng: Vấn đề cấp bách toàn cầu; Phiên 2. Chuyển đổi năng lượng gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra hiện nay. Tại Phiên thứ 1, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về nội dung chính, gồm: “Quá trình chuyển đổi năng lượng ở Pháp: Động cơ, mục đích; những vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng; hiện trạng, khó khăn, thách thức,...” của ông Cédric Philibert; “Chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam” của PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh. Tại Phiên thứ 2, các đại biểu đã trao đổi về các nội dung: “Mối quan hệ gắn kết giữa chuyển đổi năng lượng gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vứng: Thực tế ở Pháp, những kết quả đạt được, những khó khăn và thách thức, một số giải pháp đặt ra? Một số khuyển nghị cho Việt Nam” của ông Cédric Philibert và “Tăng trưởng xanh va phát triển bền vững ở thành phố Hồ Chí Minh, một số khuyến nghị chính sách trong thời gian tới” của PGS, TS. Võ Hữu Phước.

PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu phát biểu kết luận tại Toạ đàm
Phát biểu kết luận tại Toạ đàm, PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa khẳng định, Toạ đàm đã tập trung chia sẻ, trao đổi về các chính sách, thách thức và kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện chuyển đổi năng lượng gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Cộng hoà Pháp và Việt Nam. Với những nội dung của các chuyên gia chia sẻ và các ý kiến trao đổi tại Toạ đàm có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp Việt Nam vượt qua những thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Thông qua Toạ đàm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung và Học viện Chính trị khu vực II nói riêng cần có những thay đổi tư duy và tầm nhìn từ đó có những kiến nghị với Chính phủ góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng “0”. PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa mong muốn Đại sứ quán Cộng hoà Pháp và các chuyên gia Pháp sẽ tiếp tục có những hoạt động hợp tác trao đổi, chia sẻ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực II trong thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Một số hình ảnh tại Toạ đàm:












Toạ đàm kết thúc chiều cùng ngày./.