Sign In

Hội thảo khoa học “Giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”

21:40 14/04/2025

Chọn cỡ chữ A a    

Nằm trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động của đề tài “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thời kỳ đổi mới”, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045)”, mã số KX.02/21-25 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội là cơ quan thực hiện, chiều ngày 14/4/2025, Học viện Chính trị khu vực II phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Đến dự Hội thảo, về phía Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, có sự tham dự của GS, TS. Phan Trung Lý - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng; ThS. Nguyễn Đình Phúc - Phó Viện trưởng. Về phía thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài, có sự hiện diện của GS, TS. Lê Minh Tâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS, TS. Lê Bộ Lĩnh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS, TS. Phạm Hữu Nghị - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; PGS, TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Về phía Học viện Chính trị khu vực II, có sự tham dự của PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; cùng các chuyên gia, nhà khoa học Học viện Chính trị khu vực II, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Chủ trì Hội thảo bao gồm: GS, TS. Phan Trung Lý; PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai.

 

PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự kết tinh giữa tinh hoa truyền thống dân tộc với tinh thần dân chủ, pháp lý hiện đại; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh:“Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân” và việc thực hiện pháp luật phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sự thượng tôn pháp luật, sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện thể chế hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là một yêu cầu về lý luận mà còn là nhiệm vụ cấp thiết để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ, công bằng, văn minh - một nhà nước thực sự phục vụ nhân dân.

PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, cùng với các nội dung khác, Nghị quyết thông qua một số nội dung cụ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội thảo là dịp để nhìn lại, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và khoa học về giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay; từ đó đưa ra các giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Với tinh thần khoa học, trách nhiệm và đổi mới, PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai mong muốn, Hội thảo sẽ góp phần làm sáng rõ thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay.

 

GS, TS. Phan Trung Lý - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS. Phan Trung Lý khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Nhà nước. Trong đó, tư tưởng về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân mang tầm vóc chiến lược và là cội nguồn tư tưởng cho mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Kỷ nguyên mới - được đặc trưng bởi sự bứt phá của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, toàn cầu hoá sâu rộng và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp quyền, nhằm xây dựng mô hình nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và pháp quyền thực chất. Việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân chính là một yêu cầu mang tính thời đại, vừa có sứ mệnh lý luận, vừa là nhiệm vụ chính trị thực tiễn có tính sống còn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên phát triển mới.

Để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, GS, TS. Phan Trung Lý đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, trao đổi các vấn đề: Phát triển lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh; tập trung làm rõ nội hàm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong bối cảnh mới”; phát triển các luận điểm lý luận về sự thống nhất giữa pháp quyền, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; làm rõ vai trò của nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước, phát huy cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ cơ sở; thể chế hoá sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền trong hệ thống pháp luật; bảo đảm pháp luật là tối thượng, công bằng, bình đẳng, nhân đạo, thể hiện ý chí, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân; hoàn thiện cơ chế lập pháp, hành pháp, tư pháp bảo đảm phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực theo đúng tinh thần Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Pháp luật nghiêm minh thì mọi người mới nghiêm túc chấp hành”; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tư tưởng “phục vụ nhân dân”; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức pháp quyền của đội ngũ cán bộ, công chức; áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, chuyển đổi số để thực hiện dân chủ thực chất, công khai, minh bạch, phục vụ người dân tốt hơn; nâng cao chất lượng nghiên cứu và giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền; xây dựng hệ thống lý luận và chương trình đào tạo về Nhà nước pháp quyền Hồ Chí Minh trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị và pháp luật; thúc đẩy nghiên cứu liên ngành (chính trị học, pháp lý, hành chính công, công nghệ quản trị) để cập nhật sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thời đại; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và tổ chức xã hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền; thể chế hoá quyền giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; thiết lập các cơ chế pháp lý minh bạch về tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình và đối thoại chính sách giữa Nhà nước và nhân dân.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận, trao đổi về các vấn đề: Quan điểm, định hướng tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Giải pháp vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới; Giải pháp vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; Giải pháp vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; Giải pháp vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng xã hội pháp quyền thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

 

GS, TS. Phan Trung Lý - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội phát biểu kết luận tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Phan Trung Lý khẳng định, sau thời gian làm việc nghiêm túc, chất lượng, Hội thảo đã diễn ra thành công, tốt đẹp. Đồng thời, GS, TS. Phan Trung Lý nhấn mạnh, bên cạnh nội dung các chủ đề của Hội thảo, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề xuất, gợi ý các vấn đề nhằm tiếp tục nghiên cứu, mang tính gợi mở cho Ban Chủ trì Hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài thực hiện thành công nhiệm vụ đề tài khoa học “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thời kỳ đổi mới”; làm cơ sở kiến nghị bổ sung vào văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 


 

 

 

 

 

 

 

Hội thảo kết thúc chiều cùng ngày./

Tin: Kim Ngân; Ảnh: Công Cẩn

Alternate Text

Bình luận

Danh sách bình luận

Số lượng ý kiến bài viết: 0

Thống kê lượt truy cập

Lượt truy cập:

Khách online: