Sign In

Hội thảo khoa học: “Đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế”

  14:56 28/11/2024
Sáng ngày 28/11/2024, Học viện Chính trị khu vực II phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30 - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học: “Đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế”.

Toàn cảnh Hội thảo

Đến dự Hội thảo, về phía Ban Chủ nhiệm Chương trình KX05/21-30 - Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự hiện diện của GS, TS. Hoàng Thế Liên - Chủ nhiệm Chương trình; TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Thành Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; PGS, TS. Đào Ngọc Chiến - Giám đốc Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Về phía đại biểu khách mời, có PGS, TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; PGS, TS. Trần Mai Ước - Phó Trưởng Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS. Võ Tất Thắng - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Trương Cộng Hoà - Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Học viện Chính trị khu vực II, có sự tham dự của PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện; PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS. Phạm Tất Thắng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; TS. Lê Thị Anh Đào - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; các giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Chủ trì Hội thảo: GS, TS. Hoàng Thế Liên - Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của việc đổi mới và hoàn thiện thể chế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của việc tạo dựng một thể chế đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế và đủ năng lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung, thể chế vẫn là “điểm nghẽn” của sự phát triển, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc hoàn thiện thể chế. PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn khoa học uy tín, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Mỗi bài viết là một quan điểm, góc nhìn riêng về chủ đề mà hội thảo đang muốn làm sáng tỏ, tạo cơ hội để các nhà khoa học chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu, đưa ra các đề xuất, kiến nghị thiết thực.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng mong muốn, Hội thảo sẽ: (i) Làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận liên quan đến đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững; (ii) Kinh nghiệm quốc tế về thể chế phát triển nhanh, bền vững và những gợi ý cho Việt Nam; (iii) Đưa ra những giải pháp cụ thể, gợi mở các hướng đi phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam nhằm hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; (iv) Gợi mở cho các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, trong đó có Học viện Chính trị khu vực II, những sáng kiến nhằm xác định, đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước trong khuôn khổ Chương trình KX.05/21-30 thời gian tới.

GS, TS. Hoàng Thế Liên - Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30 - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS. Hoàng Thế Liên khẳng định, thể chế có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển. Vấn đề đặt ra là phải nhận thức đúng và xây dựng một thể chế phát triển phù hợp, hiệu quả. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, thể chế được xây dựng nhưng vẫn có những điểm nghẽn, vì vậy, cần có cái nhìn tổng thể. Để giải quyết vấn đề này, cần có những nghiên cứu quy mô rộng, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Chương trình hướng đến mục tiêu nghiên cứu vấn đề lý luận cơ bản về thể chế, cấu trúc và mối quan hệ tương tác giữa các loại hình thể chế và phát triển; cơ sở lý luận xây dựng hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững; xác định được danh mục điểm nghẽn trong từng lĩnh vực. Từ đó tìm ra hướng khơi thông điểm nghẽn, hoàn thiện thể chế để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.

Để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, GS, TS. Hoàng Thế Liên đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, trao đổi các vấn đề: Thứ nhất, xác định những điểm nghẽn về thể chế trong thực tiễn thực hiện. Thứ hai, xây dựng thể chế tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững. Thể chế phát triển nhanh và bền vững là một tổng thể hữu cơ các thể chế phát triển thành phần, bao gồm thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế xã hội, thể chế môi trường sinh thái, trong đó thể chế chính trị giữ vai trò quyết định. Thứ ba, nghiên cứu thể chế theo cách tiếp cận phát triển. Thứ tư, các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi thể chế nghiêm minh, khả thi trong thực tiễn cuộc sống. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận, trao đổi về các vấn đề: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn thiện thể chế Đảng lãnh đạo, cầm quyền bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước; Quỹ đạo phát triển của đất nước trong thời gian tới và việc hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; Thể chế phát triển nhanh và bền vững: Kinh nghiệm của Nhật Bản và những gợi ý đối với Việt Nam; Đánh giá phân cấp quản lý kinh tế ở Việt Nam; Một số vấn đề mới đặt ra với quyền tài sản tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế bộ máy hành chính nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số.

 GS, TS. Hoàng Thế Liên - Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30 - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu kết luận tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Hoàng Thế Liên khẳng định, Hội thảo đã đạt được các kết quả, trên các phương diện: Thứ nhất, thống nhất khẳng định thể chế không đồng nghĩa với pháp luật, thể chế bao gồm các yếu tố các nhau; có nhiều loại thể chế: thể chế chính quy và thể chế không chính quy; thể chế nhà nước và thể chế xã hội… Thứ hai, tiếp cận thể chế một cách đồng bộ và theo nghĩa rộng, trong đó thực hiện vai trò của các tổ chức theo đúng chức năng, nhiệm vụ và đồng bộ; Nhà nước; hiến pháp và pháp luật giữ vai trò quan trọng. Thứ ba, vấn đề thực hiện phân cấp, phân quyền; phân cấp, phân quyền ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương. Thứ tư, vấn đề thực hiện thể chế góp phần kiểm soát quyền lực. Thứ năm, kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, trong đó, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của xây dựng mô hình chính phủ kiến tạo phát triển.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Hội thảo kết thúc sáng cùng ngày./.

Tag:

Tin và ảnh: Kim Ngân

Alternate Text