Sign In

Tọa đàm khoa học: “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản: tầm nhìn dài hạn và thực tế hành động”

  05:39 02/10/2024
hcma.vn - Thực hiện Kế hoạch hợp tác quốc tế năm 2024, ngày 01/10/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản: tầm nhìn dài hạn và thực tế hành động”.

TD_DSC8513.jpg&w=1000&mode=none

PGS,TS Dương Trung Ý dự và chủ trì tọa đàm

PGS,TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì tọa đàm. Cùng chủ trì có PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

Dự tọa đàm có Đại sứ ITO Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; đại biểu đến từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Văn phòng JICA Việt Nam, Văn phòng Dự án JICA tại Học viện, đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

Phát biểu khai mạc, đề dẫn tọa đàm, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia châu Á có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, cùng chịu ảnh hưởng của dòng văn hóa phương Đông. 

Với việc thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á" năm 2009 và nâng cấp lên quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á" năm 2014, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thể hiện một cấp độ cao trong hợp tác quốc tế, đó là quan hệ thực chất, nhấn mạnh tầm quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế của hai nước trong khu vực. Đặc biệt, tháng 11-2023, với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, PGS,TS Dương Trung Ý nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo PGS,TS Dương Trung Ý, trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự tương tác qua lại ngày càng tăng giữa các nhân tố song phương và đa phương tại khu vực châu Á, đặc biệt tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng hòa chung trong dòng chảy chính trị quốc tế với nhiều cơ hội hợp tác, phát triển và không ít thách thức cần vượt qua. Trong thực tế, quan hệ hợp tác giữa hai nước được mở rộng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, giao lưu nhân dân,... Những thành tựu đó đã góp phần gia tăng sức mạnh của mỗi nước, hạn chế tối đa rủi ro, thách thức, hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển bền vững; phát triển đồng thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới trong bối cảnh mới.

Tại toạ đàm, trên tinh thần tin cậy, cởi mở và chân thành, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những vấn đề có tính chất chiến lược quan trọng nhất của Nhật Bản, có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cục diện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng, cục diện thế giới hiện nay nói chung. 

TD_DSC8597.jpg&w=1000&mode=none

Đại biểu dự tọa đàm

Các tham luận đã chỉ rõ sự phức tạp, khó lường của bối cảnh quốc tế và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã và đang tác động mạnh tới việc hoạch định và triển khai chiến lược đối ngoại của hai nước. Nhiều học giả đã phân tích sâu sắc và đưa ra những luận giải giá trị về những tác động từ đề xướng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” của Nhật Bản tới từng nhóm đối tượng cụ thể, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích cơ hội, tiềm năng và triển vọng phát triển quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, các ý kiến tại toạ đàm đã bước đầu đề xuất những khuyến nghị để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản thời gian tới; khuyến nghị chính sách mang tính gợi mở giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác trong quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới” với Nhật Bản thời gian tới.

Các tham luận cũng đánh giá, nhìn nhận về mối quan hệ hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thời gian qua; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới.

 

BBT

Tag:

Nguồn: hcma.vn

Alternate Text