Sign In

TINH THẦN TỰ TÔN DÂN TỘC TRONG HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM

21:14 30/01/2024

Chọn cỡ chữ A a    

Tóm tắt: Tinh thần tự tôn dân tộc là thành tố quan trọng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Bằng cách nhìn lại lịch sử, bài viết đúc rút những biểu hiện của tinh thần tự tôn dân tộc, đồng thời, chỉ ra những vấn đề cần quan tâm đối với tinh thần tự tôn dân tộc trong xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay. Đó là những thách thức tác động từ quá trình toàn cầu hóa, sự cạnh tranh quốc tế diễn ra quyết liệt; sự manh nha của tư tưởng dân tộc hẹp hòi, nguy hiểm, nhất là các thế lực thù địch kích động tư tưởng ly khai, tự trị; và từ sự thiếu hiểu biết về giá trị văn hóa, lịch sử, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Từ khóa: tinh thần tự tôn dân tộc; hệ giá trị văn hóa; Việt Nam


1. Đặt vấn đề

 Văn hóa mỗi dân tộc chính là “hồn cốt” của dân tộc đó. Nói đến văn hóa là nói đến tính giá trị. Những gì cá nhân, cộng đồng tạo ra có ý nghĩa tích cực, thỏa mãn nhu cầu tốt đẹp, trở thành nguồn lực cho sự phát triển tiếp theo được xem là có giá trị, là sản phẩm văn hóa, còn ngược lại, phản giá trị chính là phản văn hóa. Dân tộc nào cũng tạo ra một hệ giá trị văn hóa và chính hệ giá trị văn hóa đó “soi đường cho quốc dân đi”(1). Tại Đại hội lần thứ XIII (năm 2021), Đảng xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(2). Nói đến hệ giá trị tức là nói đến nhiều giá trị và trong hệ giá trị văn hóa sẽ không thể thiếu giá trị về tinh thần tự tôn dân tộc.

Trong các nghị quyết về văn hóa hoặc đề cập đến giá trị văn hóa, Đảng thường nói đến niềm tự hào dân tộc, tự tôn dân tộc hay ý chí tự cường dân tộc. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng đề cập đến tinh thần tự tôn dân tộc niềm tự hào dân tộc(3). Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc xác định một trong những giá trị bền vững, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước là ý chí tự cường dân tộc(4). Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc(5) ; “tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”(6).

Suy cho cùng, ý chí tự cường dân tộc, lòng tự hào dân tộc hay tinh thần tự tôn dân tộc đều thể hiện tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước được chứng minh bằng rất nhiều chứng cứ, song trong đó, tinh thần tự tôn dân tộc là phẩm chất đặc trưng và được xem như một giá trị riêng đi liền sau giá trị tinh thần yêu nước, là động lực và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước. Như vậy, tinh thần tự tôn dân tộc là thành tố quan trọng trong hệ giá trị văn hóa của dân tộc.

2. Nhìn lại lịch sử

Tinh thần tự tôn dân tộc thể hiện ở sự khẳng định bản sắc dân tộc, vị thế của quốc gia - dân tộc trong quan hệ với các quốc gia - dân tộc khác, tinh thần tự tôn dân tộc chính là điểm tựa để dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu, hiên ngang tiến bước cùng thời đại. Bởi vì, một dân tộc không có tinh thần tự tôn dân tộc, không xứng đáng và không đủ sức tồn tại với tư cách một dân tộc. Nhìn lại lịch sử có thể thấy, tinh thần tự tôn dân tộc có những biểu hiện cơ bản sau:

Một là, ý thức tự giác về dân tộc

Một trong những đặc trưng của dân tộc - xét theo nghĩa hẹp tộc người là các thành viên của dân tộc (tộc người) có chung ý thức tự giác về dân tộc (tộc người). Việt Nam là một cộng đồng quốc gia nhiều dân tộc. Quá trình hình thành quốc gia đa dân tộc gắn liền với quá trình hình thành và ngày một nâng cao ý thức dân tộc (quốc gia). Mỗi thành viên ngoài ý thức tự giác tộc người còn có chung ý thức tự giác về dân tộc - quốc gia; mỗi cá nhân không chỉ là thành viên của một tộc người, mà còn là công dân của một quốc gia. Ý thức về cùng một cộng đồng nhiều tộc người trước hết thể hiện trong tiềm thức “đồng bào” phản ánh các thành phần dân tộc có chung nguồn gốc, thể hiện qua truyền thuyết “Bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ” của người Việt, “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, “Quả bầu mẹ” của người M’Nông, “Quả bầu tổ tiên” của người Khơ Mú… Tất cả đều cùng một cộng đồng chính trị - xã hội được hình thành và ổn định lâu dài trong lịch sử, có địa bàn lãnh thổ thống nhất; chịu sự chỉ đạo bởi một nhà nước, phương thức sinh hoạt kinh tế chung, ngôn ngữ chung và một nền văn hóa chung thống nhất trong đa dạng.

Khác với phương thức hình thành dân tộc của các nước phương Tây gắn với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản và các nhân tố kinh tế - xã hội, như C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chính giai cấp tư sản trong quá trình xóa bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sản xuất, tài sản, dân cư và kết quả tất nhiên của những thay đổi đó là sự tập trung về chính trị, khiến cho “những địa phương độc lập liên minh lại với nhau bởi những lợi ích, luật lệ, chính phủ, thuế quan và dẫn đến sự hình thành dân tộc tư sản”(7).

Ở Việt Nam, do nhu cầu trị thủy, chống giặc ngoại xâm và trao đổi kinh tế, văn hóa giữa các bộ lạc gần gũi nhau dẫn đến quá trình hình thành sớm nhà nước dân tộc, như đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Dân tộc Việt Nam ta có lịch sử mấy nghìn năm, có ngôn ngữ riêng, phong tục tập quán riêng, cốt cách làm ăn riêng, phong thái sinh hoạt riêng và có nền văn hóa lâu đời của mình. Tất cả những cái đó tạo nên truyền thống, tình cảm riêng của dân tộc ta”(8). Nguyễn Trãi, từ hơn 570 năm trước, trong Bình ngô đại cáo đã nói rõ, nước ta “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”; có phong tục riêng; có chủ quyền lãnh thổ “núi sông bờ cõi” riêng; và đặc biệt có bản lĩnh, tinh thần tự tôn dân tộc “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Đến thời Nguyễn, bài thơ Ngự chế tại Điện Thái Hòa cũng khẳng định nền văn hiến nghìn năm “Văn hiến thiên niên quốc”, tính nhất thống của quốc gia - dân tộc “Xa thư vạn lý đồ”, lịch sử dựng nước từ thuở “Hồng Bàng khai tịch hậu” và tinh thần tự tôn về một quốc gia - dân tộc thịnh vượng “Nam phục nhất Đường, Ngu”(9).

Hai là, ý thức về bảo vệ nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia; tự quyết về con đường phát triển của dân tộc

Nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc luôn là điều thiêng liêng. Ý thức về điều này là nội dung cốt lõi của lòng yêu nước Việt Nam. Mỗi khi đất nước bị ngoại bang xâm lấn, chủ quyền quốc gia bị đe dọa thì toàn dân tộc Việt Nam luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, cùng chung một ý chí bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dù phải chiến đấu với bất cứ giặc ngoại xâm hùng mạnh đến từ phương Đông hay phương Tây. Chiến thắng trên sông Bạch Đằng (năm 938), khiến cho “quân giặc vừa xâm phạm vào địa đầu đất nước ta, chưa chiếm được mảy may đất đai, thậm chí chưa kịp gây tội ác đã bị quét sạch bằng một đòn trời giáng”, và “Từ đó, triều Nam Hán phải vĩnh viễn từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, không dám đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ của ta nữa(10). Nhà Lý “nhân cái oai thắng trận, nắm cái thế cường thịnh, khiến nhà Tống mấy lần trả lại đất đã lấn”(11). Vua Lê Thánh Tông dụ cho Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần”(12). Với tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(13). Henry Kissinger, cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, sau là Ngoại trưởng Mỹ khi thăm Bảo tàng lịch sử Việt Nam, được nghe phiên dịch chuyển ngữ bài thơ Nam quốc sơn hà đã phải sửng sốt nói rằng: “Vâng, nội dung bài thơ chính là Điều 1 Chương 1 của Hiệp định Paris vừa ký kết!”. Đó chính là ý chí, là quyết tâm của dân tộc Việt Nam, yêu cầu Hội nghị Paris phải đưa vào Điều 1 Chương 1 của Hiệp định: “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam” và khi nghe giới thiệu dân tộc Việt Nam đã 03 lần đánh thắng quân Nguyên, Henry Kissinger đã phải thốt lên: Với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ!”(14).

Tinh thần tự tôn dân tộc còn thể hiện ở sự tự khẳng định mình. Dân tộc ta đã tự thiêng hóa về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”. Thời phong kiến, phương Bắc xưng Đại Tống, Đại Minh, Đại Thanh thì ở phương Nam các triều đại phong kiến nước ta cũng xưng Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam để khẳng định vị thế so với các nước xung quanh. Giáo sư Phan Ngọc khẳng định: “Người Việt Nam là con người Tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, Tổ quốc lớn hơn tất cả”(15) và “Người Việt Nam trung với nước và nước là độc lập với dòng họ”. Ở Việt Nam, tên nước độc lập với triều đại. Triều đại Lý, Trần, Lê đều có chung tên nước là Đại Việt, không như các triều đại phong kiến phương Bắc tự gọi nước mình là Hán, Đường, Tống, Nguyên… theo tên nơi đại biểu cho dòng họ(16). Trong quan hệ bang giao, các sứ thần nước ta luôn giữ quốc thể: “Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ nhà Tống, tình ý và văn thơ rất là chu đáo. Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể được thêm tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục…”, đối với Triều Lý thì “cách ứng tiếp thung dung, đắc thể, đủ thấy sự khôn khéo trong việc bang giao thời bấy giờ”, còn triều Trần “trong khoảng hơn trăm năm, ngăn được sự dòm ngó của Trung Quốc mà tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà, đó là nhờ sự giao tiếp đắc di giúp sức vậy”(17). Sứ Trung Quốc đến Đại Việt buộc phải theo nguyên tắc “lễ tòng nghi, Sứ tòng lục” (lễ thì theo thích nghi, đi sứ phải theo phong tục). Thời Trần, vua Trần Nghệ Tông từng nhắc nhở triều thần: “Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”(18). Do đó, trong việc quản trị đất nước phải thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, phải xác định độc lập, tự chủ luôn là tư tưởng xuyên suốt trong việc đề ra đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ba là, tự hào và bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc là một biểu hiện của tinh thần tự tôn dân tộc

Văn hóa còn, dân tộc còn. Nhận thức sâu sắc điều này nên dân tộc ta luôn nâng cao ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa và tự hào về nền văn hiến. Lê Lợi tuyên cáo nước Đại Việt vốn “xưng nền văn hiến đã lâu” với phong tục riêng, Quang Trung - Nguyễn Huệ tuyên bố ý chí bảo vệ bản sắc văn hóa “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”. Trong trường hợp bị đô hộ, ý thức dân tộc về bảo vệ bản sắc văn hóa trước nguy cơ bị ngoại bang đồng hóa càng trở nên mạnh mẽ. Dân tộc ta còn dân tộc hóa những yếu tố văn hóa vay mượn để phát triển văn hóa dân tộc mình. Nhờ tinh thần tự tôn, bảo vệ nền văn hóa dân tộc mà dân tộc ta đã đưa sức mạnh văn hóa vào kháng chiến chống ngoại xâm và làm cho cuộc kháng chiến mang tính văn hóa Nhân Nghĩa: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Trong tác phẩm Tóm lược nghiên cứu lịch sử, xuất bản năm 1972, Toyinbee là một giáo sư dạy lịch sử quốc tế ở Đại học Luân Đôn nhân bàn về cổ sử có những đế quốc lớn bị đánh bại bởi một dân tộc nhỏ, ông đã nhận định: “Trong khi tôi viết những dòng này, người Mỹ đang bị người Việt Nam đánh bại” và khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara sang thăm Việt Nam, hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng, nguyên nhân nào mà Việt Nam thắng Mỹ? Đại tướng đã trả lời rằng Việt Nam thắng là nhờ văn hóa chứ không phải quân sự”(19). Toyinbee cũng ghi nhận thế giới có gần 200 quốc gia, nhưng chỉ có 31 nền văn minh hiện tồn, văn minh Việt Nam là một trong số đó. Như vậy, không chỉ bảo vệ được bản sắc văn hóa, mà dân tộc ta còn đóng góp vào sự đa dạng văn hóa của nhân loại, có những di sản văn hóa được thế giới công nhận và có những danh nhân văn hóa được thế giới tôn vinh.

Bốn là, thể hiện bản lĩnh dân tộc

Không có bản lĩnh dân tộc thì không thể tự tôn dân tộc. Trong lịch sử, dân tộc ta đã phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hung bạo. Ngay từ đầu, dân tộc ta đã đập tan cuộc xâm lược của quân Tần - đội quân hung hãn của một đế chế rộng lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, khiến cho quân Tần “thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người” (Hoài Nam Tử)(20) hay 03 lần đánh thắng quân Mông - Nguyên… Trong thời cận và hiện đại, dân tộc Việt Nam phải đối đầu với những đội quân xâm lược đến từ phương Tây (thực dân Pháp, đế quốc Mỹ) nhưng không hề nao núng, bởi sức mạnh chiến thắng bắt đầu từ tinh thần dám chiến đấu, ý chí không chịu cúi đầu của cả một dân tộc. Ý chí đánh Mỹ đã thể hiện mạnh mẽ ở Lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/1966: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(21), ý chí đó còn thể hiện ở quyết tâm của quân và dân, nơi trực diện đối đầu với đội quân viễn chinh Mỹ trong những ngày đầu tiên chúng đổ bộ vào miền Nam: “Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh và lâu dài bao nhiêu cũng đánh… Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước tiên bằng hai chân, ba mũi giáp công để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền Nam và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”(22). Bản lĩnh dân tộc còn thể hiện ở tinh thần vững vàng vượt qua những giai đoạn khó khăn ngặt nghèo của thiên tai, hạn hán, bão lũ và bao vây cấm vận trong những năm đầu sau ngày giải phóng, trước sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, nhưng dân tộc ta vẫn vững vàng trên con đường phát triển, giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

3. Một số vấn đề đặt ra

Nghiên cứu về tinh thần tự tôn dân tộc trong xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam, cần quan tâm một số vấn đề đặt ra sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, trong đó có toàn cầu hóa về văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tạo điều kiện cho việc giao lưu, giới thiệu văn hóa ra thế giới và cũng để tiếp biến làm giàu cho văn hóa dân tộc mình, nhưng đây cũng là thách thức cho việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu không có bản lĩnh, không có tinh thần tự tôn dân tộc về nền văn hóa sẽ dẫn đến nguy cơ như Tổng Giám đốc UNESCO, F.Mayo đã cảnh báo trong bài phát biểu tại lễ phát động Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa (1987): “Đồng nhất hóa các hệ thống giá trị và tiêu chuẩn, đe dọa và làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa”(23). Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo: “Trong toàn cầu hóa, văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống bị xói mòn dữ dội, nghiêm trọng nhất là văn hóa chính trị, ý thức hệ phương Tây du nhập ngày càng nhiều, thách thức an ninh chính trị của nhiều quốc gia”(24). Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một trong những biểu hiện của hạn chế, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa: “công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hoá”, “phản văn hoá””(25).

Thứ hai, cạnh tranh quốc tế diễn ra quyết liệt cũng tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển đất nước, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc để thể hiện bản lĩnh “vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” và khẳng định vị trí của quốc gia - dân tộc với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thứ ba, quá trình định hình ý thức tự tôn dân tộc (quốc gia) gắn liền với quá trình hình thành quốc gia - dân tộc, mà quá trình này phải đến thời cận đại mới thật sự hình thành một quốc gia gồm 54 dân tộc (tộc người). Trong số 54 dân tộc (tộc người), có những dân tộc vốn tụ cư và phát triển trên mảnh đất Việt Nam ngày nay ngay từ thuở ban đầu, có những dân tộc từ nơi khác đến sau hoặc hội nhập vào cộng đồng quốc gia - dân tộc trễ hơn. Trong quan hệ giữa các dân tộc (tộc người) với quốc gia - dân tộc, bên cạnh mặt ưu điểm, tích cực là truyền thống đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc (quốc gia) thống nhất, cũng có những vấn đề đang đặt ra cần được quan tâm. Đó là sự manh nha trỗi dậy của tư tưởng dân tộc hẹp hòi, nguy hiểm nhất là bị các phần tử xấu, thế lực thù địch kích động đòi ly khai, tự trị tác động tiêu cực đến quan hệ dân tộc. Điều này cho thấy, cần củng cố, nâng cao ý thức quốc gia - dân tộc, ý thức công dân của một quốc gia đa dân tộc và tinh thần tự tôn dân tộc cho tất cả các dân tộc (tộc người) về đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu phấn đấu: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Thứ tư, tình trạng không hiểu biết về giá trị văn hóa, lịch sử, vị thế của Việt Nam dẫn đến không có ý thức tự tôn dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thời gian qua, báo chí đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng hụt hẫng kiến thức lịch sử, giá trị văn hóa - “sức mạnh mềm” của dân tộc ở một bộ phận giới trẻ. Đây là hiện tượng rất đáng quan ngại, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mà lịch sử và truyền thống dân tộc không thấm nhuần làm định hướng cho lý tưởng và nhân cách cho lớp trẻ, kể cả sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước - thì xã hội sẽ đi về đâu?”(26). Bởi vì, không hiểu biết về những trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, không hiểu được bản sắc văn hóa dân tộc, không thấy được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của dân tộc thì sẽ không có lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, sẽ rơi vào tâm lý tự ti, không có khát vọng và ý thức trách nhiệm xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, thậm chí còn có thể bị dẫn dắt bởi những luận điệu, những não trạng tự nhục luôn đề cao cái gọi là “giá trị” ngoại lai, xem thường, hạ thấp giá trị dân tộc mình. Thực trạng này đòi hỏi phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tri thức về lịch sử, văn hóa, về vị thế dân tộc để từ đó tự hào, nâng cao ý thức bảo vệ, đề cao bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ và quảng bá hình ảnh quốc gia; nêu cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước; tự giác đề phòng, ngăn chặn và đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm tới lợi ích quốc gia - dân tộc; có lý tưởng cách mạng, khát vọng, niềm tin vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nướcq

 

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.11

(2), (5) và (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.143, 34 và 43

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.63, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.282

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.57, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.304

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.82

(8) Lê Duẩn, Xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể trên lập trường giai cấp vô sản. Dẫn theo Phan Hữu Dật (chủ biên), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.16

(9) Thơ Ngự chế của vua Minh Mạng ở chính điện Thái Hòa trong khu vực Đại nội của Kinh thành Huế

(10) và (20) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, t.I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, tr.478 và 196

(11) và (17) Lời bàn của Ngô Sỹ Liên, Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Bang giao chí), t.3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.279 và 252-255

(12) và (18) Đại Việt sử ký toàn thư, t.II. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.463 và 151

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38

(14) Chuyện Kissinger đến Hà Thành, http://baovannghe.com.vn, ngày 15/7/2023

(15) và (16) Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.34 và 40

(19) Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Hiệp định Paris đem lại mùa xuân tự do cho dân tộc, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 15/7/2023

(21) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Sđd, tr.131

(22) Tỉnh ủy Quảng Nam - Thành ủy Đà Nẵng, Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.477

(23) Dẫn lại từ Lê Công Lý, Văn hóa dân gian Việt Nam trong xã hội đương đại, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoc-dan-gian/5503-vn-hoa-dan-gian-vit-nam-trong-xa-hi-ng-i.html

(24) Nguyễn Trọng Chuẩn, Những thách thức của toàn cầu hóa hay là sự đối mặt của nhân loại trong các vấn đề toàn cầu, Bài in trong Góp phần nhận thức thế giới đương đại (nhiều tác giả), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.372

(25) Toàn văn phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, https://moit.gov.vn, ngày 19/7/2023

(26) Sinh viên với lịch sử dân tộc, http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn, ngày 19/7/2023

NGÔ VĂN MINH

Alternate Text

Bình luận

Danh sách bình luận

Số lượng ý kiến bài viết: 0

Thống kê lượt truy cập

Lượt truy cập:

Khách online: