xem cỡ chữ
T
Đặt vấn đề
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam là một tầng lớp xã hội được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ thể sở hữu tư nhân về các điều kiện chủ yếu của sản xuất kinh doanh; đầu tư, trực tiếp tổ chức, quản lý, dẫn dắt, điều hành doanh nghiệp; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói riêng, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nói chung, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Việc phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong đó sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định.
2. Thực trạng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đó, trong thời gian qua, cùng với việc lãnh đạo các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, Đảng đặc biệt quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế - lĩnh vực trọng yếu quyết định đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Một trong những nội dung quan trọng trong lãnh đạo kinh tế là lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân. Kết quả lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân thể hiện ở nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo của Đảng.
- Về nội dung lãnh đạo
Thứ nhất, Đảng định hướng phát triển đội ngũ doanh nhân phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên, đội ngũ doanh nhân được Đảng quan tâm, thể hiện trong nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị khóa XI - Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Các nghị quyết này đều xác định quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ cụ thể và vai trò, trách nhiệm tổ chức thực hiện, không chỉ định hướng xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, mà còn tạo động lực cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển. Nghị quyết số 41-NQ/TW đã xác định mục tiêu “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước” với vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa(1). Đây là căn cứ chính trị quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước và xã hội nhận thức, tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ doanh nhân về số lượng, cơ cấu hợp lý trong các ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh ngày càng chất lượng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mô hình kinh doanh mới. Hiện nay, các ngành kinh tế có xu hướng tăng là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô với nhiều doanh nghiệp hoạt động nhất lên đến 308.260 doanh nghiệp năm 2022, chiếm 34,41%. Ngành công nghiệp chế biến với 134.132 doanh nghiệp, chiếm 14,97% và ngành xây dựng với 125.812 doanh nghiệp, chiếm 14.04%. Vùng Đông Nam Bộ là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp hoạt động nhất với 364.129 doanh nghiệp, chiếm 40,65% tổng số doanh nghiệp cả nước(2).
Để phát triển đội ngũ doanh nhân, Đảng, các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng trực thuộc không chỉ quan tâm đến số lượng, cơ cấu, mà còn lãnh đạo nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, tính chuyên nghiệp của đội ngũ doanh nhân, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân về kiến thức kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ năng vận hành, quản lý, điều hành doanh nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức, văn hóa kinh doanh, trình độ pháp lý, ký kết và xử lý các hợp đồng kinh tế phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ... Với nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, hấp dẫn, đội ngũ doanh nhân được trang bị kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tư duy phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Đảng còn quan tâm lãnh đạo đội ngũ doanh nhân thực hành chuẩn mực đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội, chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm doanh nhân, tuân thủ luật pháp trong kinh doanh.
Thứ ba, Đảng lãnh đạo các tổ chức, lực lượng xã hội phối hợp phát triển đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở các bộ, ngành quan tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân thuộc phạm vi quản lý. Xác định rõ vai trò của các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phát triển các tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế, nhất là phát triển chủ doanh nghiệp đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào Đảng. Đồng thời, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nhân, kịp thời chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động để doanh nhân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tự nguyện, tự giác đứng vào hàng ngũ của Đảng.
- Về phương thức lãnh đạo
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân bằng các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân. Từ khi đổi mới đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định: phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”(3), “Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội”(4).
Thứ hai, Đảng lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật, chương trình, kế hoạch trong phát triển đội ngũ doanh nhân. Lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 xác định quyền kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”(5). Để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Đảng lãnh đạo Quốc hội khóa XIII, XIV ban hành 72 văn bản pháp luật để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; lãnh đạo Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, quyết định để tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đảng đã cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện. Cụ thể, có 51/63 tỉnh ủy, thành ủy đã xây dựng và ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW(6).
Thứ ba, Đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền, quán triệt, nghiên cứu, học tập các nghị quyết về phát triển kinh tế, doanh nhân được thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chi bộ… Một số cấp ủy đảng lồng ghép việc học tập, quán triệt nghị quyết với các nghị quyết khác. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên, doanh nhân; đoàn viên/hội viên; công nhân và người lao động;... tham gia học tập nghị quyết ở nhiều địa phương khá cao: Bình Thuận (với 98,86% cán bộ/đảng viên, 98,5% doanh nhân và 79,23% công nhân/người lao động), Đồng Nai (với 100% cơ sở đảng và 98,3% cán bộ/đảng viên), Đồng Tháp (trên 97% cán bộ/đảng viên), Hậu Giang (với 98% cán bộ/đảng viên và 81,12% đoàn viên/hội viên), Kiên Giang (với 98,2% cán bộ/đảng viên và 65,7 đoàn viên/hội viên), Quảng Ngãi (với 92,9% cán bộ/đảng viên), v.v(7).
Thứ tư, Đảng lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân thông qua các tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW ngày 17/10/2013 của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng mô hình tổ chức đảng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp, Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trực thuộc thành ủy. Các cấp ủy đảng ở địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm, xác định rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể; phân công hướng dẫn, đôn đốc, sơ kết, kiểm tra các cấp ủy đảng triển khai thực hiện theo chương trình, kế hoạch đề ra (hằng năm, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội tiến hành sơ kết 6 tháng, tổng kết năm về thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên; Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy Bình Thuận xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước;...). Nhờ đó, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng. Thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30/01/2013 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, toàn Đảng đã kết nạp được 877 chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, chiếm 34,07% tổng số đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân(8). Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều có trình độ cao, có kỹ năng, kinh nghiệm, tiên phong, gương mẫu. Ngoài ra, Đảng còn lãnh đạo thông qua các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, doanh nhân, như Hội Doanh nhân, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân nữ, Hiệp hội doanh nghiệp,... Nhiều địa phương quan tâm tới vận động chính trị, giới thiệu doanh nhân tham gia Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ năm, Đảng lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực kinh tế. Đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng để kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, đồng thời phát hiện mô hình, cách làm hay hoặc những vướng mắc để kịp thời điều chỉnh. Các cơ quan chuyên trách, tham mưu của Đảng đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng và đại diện doanh nghiệp của 13 lượt tỉnh, thành phố; 08 lượt bộ, ngành; và nhiều lượt doanh nghiệp. Thông qua tổng hợp báo cáo của 22 ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, trong đó, các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức 1.969 cuộc kiểm tra và 1.997 cuộc giám sát, lồng ghép kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW(9). Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW đối với tập thể, cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên... Thông qua kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đảng đã kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân ở các địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xác định và thực hiện nội dung, phương thức lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân của các cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Về nội dung lãnh đạo, chưa có những chủ trương, chính sách đột phá, tạo động lực, phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng vùng và cả nước để doanh nhân đầu tư phát triển nên cơ cấu doanh nhân, doanh nghiệp trong các ngành, nghề, lĩnh vực, vùng, miền vẫn còn có sự chênh lệch lớn. Trong khi thế mạnh của đất nước là nông, lâm, thủy sản nhưng chỉ có 12.094 doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực này, chỉ chiếm 1,35% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2022(10).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân vẫn chưa được quan tâm và đổi mới kịp thời để đáp ứng nhu cầu hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về kiến thức, chưa tập trung vào các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân. Kinh phí đầu tư phát triển đội ngũ doanh nhân chưa phù hợp, tương xứng với đóng góp của đội ngũ doanh nhân. Một bộ phận doanh nhân chưa chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, điều hành, đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân(11).
Về phương thức lãnh đạo, việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nội dung đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân chưa kịp thời, nhất là những mô hình, lĩnh vực kinh doanh mới. Chính sách, pháp luật về kinh doanh, phát triển doanh nhân, doanh nghiệp chưa đồng bộ, còn chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh(12). Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa ổn định, thiếu nhất quán, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về doanh nghiệp, doanh nhân có lúc, có nơi chưa được chú trọng. Một số nơi, việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng gắn với đặc điểm phát triển kinh tế của địa phương còn chậm. Việc tuyên truyền chủ yếu lồng ghép trong việc quán triệt các nghị quyết của Đảng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân chưa phát huy vai trò trong công tác xây dựng Đảng. Một số chủ doanh nghiệp được kết nạp vào Đảng nhưng chưa quan tâm rèn luyện, tu dưỡng, còn có biểu hiện chạy theo lợi ích, vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân của hạn chế trên là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về đội ngũ doanh nhân chưa đầy đủ. Tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đến một bộ phận doanh nhân không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển đội ngũ doanh nhân, mà còn gây ra một số sai phạm, thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Việc dự báo xu hướng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn chậm,… dẫn đến việc ban hành văn bản để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân chưa đầy đủ, kịp thời.
3. Giải pháp đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với nhiều triển vọng mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cần phát huy vai trò của các giai cấp, tầng lớp xã hội, trong đó, đội ngũ doanh nhân có đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, từng bước xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”(13). Để thực hiện nhiệm vụ đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW chỉ rõ: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 41-NQ/TW trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết đã khẳng định nhất quán vai trò của đội ngũ doanh nhân là lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh(14). Nghị quyết cũng khẳng định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Do đó, hệ thống chính trị, cơ quan báo chí phải phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, gắn với tôn vinh, biểu dương những tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về đội ngũ doanh nhân và sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển đội ngũ doanh nhân, cần chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn xã hội.
Hai là, các cơ quan lãnh đạo của Đảng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy đảng đối với phát triển đội ngũ doanh nhân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, cấp ủy đảng đối với kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân. Đổi mới nội dung lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy đảng cần tập trung: (1) Xây dựng cơ cấu kinh tế, ngành, nghề, lĩnh vực hợp lý theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”(15); (2) Xây dựng đội ngũ doanh nhân về số lượng, chất lượng, cơ cấu bảo đảm đội ngũ doanh nhân trong các ngành, lĩnh vực hợp lý. Xây dựng đội ngũ doanh nhân có trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm. Bám sát xu hướng phát triển, căn cứ nhu cầu của doanh nhân để đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân. Nâng cao đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp gắn với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Lãnh đạo phát triển các tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp; (3) Cụ thể hóa chủ trương, chính sách về phát huy vai trò của doanh nhân tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội.
Cùng với việc đổi mới nội dung lãnh đạo phát triển đội ngũ doanh nhân, các cơ quan lãnh đạo của Đảng cần tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo. Trên cơ sở Nghị quyết số 41-NQ/TW, các cấp ủy đảng địa phương, bộ, ban, ngành cần phân tích, đánh giá tình hình đội ngũ doanh nhân và thực tiễn phát triển kinh tế ở địa phương, vùng, miền, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực,… dự báo xu hướng phát triển để ban hành nghị quyết chuyên đề, đề án phát triển đội ngũ doanh nhân trong các ngành, nghề, lĩnh vực, quy mô,… đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ doanh nhân.
Ngoài ra, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm. Phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của đội ngũ doanh nhân trong phát triển ở các ngành, lĩnh vực phù hợp. Cải cách hành chính bảo đảm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, công bằng, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển và an tâm cống hiến”(16).
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, các nguồn lực trong phát triển đội ngũ doanh nhân
Phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới là trách nhiệm chung của toàn Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân. Mỗi chủ thể có vai trò, trách nhiệm riêng trong thực hiện các biện pháp phát triển đội ngũ doanh nhân. Việc xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong phát triển đội ngũ doanh nhân là vấn đề tiên quyết để phát triển đội ngũ doanh nhân về số lượng, cơ cấu, chất lượng. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước và xã hội bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch,… để phát triển đội ngũ doanh nhân. Tập trung phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Các cơ quan nhà nước nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn gắn với kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Các bộ, ban, ngành phối hợp thực hiện các nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế, đội ngũ doanh nhân. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đội ngũ doanh nhân cần nhận thức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Các tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đảng ủy khối cơ quan, doanh nghiệp địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm theo thẩm quyền, trong đó, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án phát triển đội ngũ doanh nhân phù hợp với thực tiễn, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phản ánh ý kiến, nguyện vọng của doanh nhân, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ đội ngũ doanh nhân phát triển. Chú trọng cải cách hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, thực hiện sứ mệnh lãnh đạo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đó, Đảng phải phát huy các nguồn lực xã hội, trong đó đội ngũ doanh nhân là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do đó, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nayq
----------------------
(1), (11), (14) và (16) Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
(2), (6), (7), (8), (9), (10) và (12) Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Báo cáo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 31/8/2023
(3), (4), (13) và (15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.167, 221, 167 và 215
Tag:
NGUYỄN THỊ THẢO - TS, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Video
Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II đón tiếp Đoàn đại biểu Trường Đảng Tỉnh uỷ Quảng Đông, Trung Quốc
Học viện Chính trị khu vực II tổ chức chuỗi các sự kiện chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 75 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam (1949 - 2024)
Lễ dâng hoa Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương Phòng Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh: Tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước
Hội thảo khoa học “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức trong tình hình mới”
Liên kết website