xem cỡ chữ
T
Triết lý phát triển vùng Đông Nam Bộ được hiểu là những quan điểm, luận điểm cơ bản, mang tính định hướng, có ý nghĩa phương pháp luận trong nhận thức và tổ chức thực tiễn phát triển toàn diện vùng trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24-NQ/TW) được Bộ Chính trị ban hành nhằm phát huy khả năng, khơi dậy mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của vùng trong phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Triết lý phát triển trong Nghị quyết 24-NQ/TW là hồn cốt, là nội dung cơ bản, mang tính định hướng, có ý nghĩa phương pháp luận trong việc nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và góp phần tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết trên địa bàn tỉnh/ thành phố vùng Đông Nam Bộ. Việc tìm hiểu triết lý phát triển với bốn luận điểm trong Nghị quyết có ý nghĩa thiết thực nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
1. Phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa tầm nhìn đến năm 2045 là triết lý cơ bản, bao trùm, xuyên suốt
Phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là tất yếu, hợp quy luật. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”([i]). Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” là “hướng đi đúng đắn, hợp quy luật”, “hợp ý Đảng hợp với lòng dân”, “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”([ii]). Phát triển tổng thể Đông Nam Bộ theo định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình lịch sử - tự nhiên, đặc thù, phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể đất nước trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Mặc dù, Nghị quyết 24-NQ/TW không trực tiếp đề cập đến nội dung này, nhưng tính cơ bản, xuyên suốt, bao trùm của nó đã ít nhiều, đậm nhạt được phản ánh trong quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định: “Phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”([iii]).
Định hướng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa là tập trung phát triển với ba nội dung chính là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đối với vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24-NQ/TW đã chỉ rõ:
- Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng xác định đây là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để phát triển mô hình này ở Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24-NQ/TW yêu cầu tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại.., Đông Nam Bộ phải phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
- Về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 24-NQ/TW yêu cầu tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức lãnh đạo Nhà nước, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng quyết định hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; xây dựng mô hình chính quyền đô thị hiện đại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Về dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 24-NQ/TW xác định phải tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy dân chủ trong Đảng và trong đời sống xã hội, nhất là tạo sự đồng thuận phản biện xã hội đối với quá trình phát triển. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đổi mới công tác dân vận, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội, huy động và khơi dậy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình phát triển đất nước.
Như vậy, có thể khẳng định, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là triết lý cơ bản, bao trùm, xuyên suốt, ảnh hưởng, chi phối đến các triết lý khác trong quá trình đổi mới ở Đông Nam Bộ hiện nay. Cũng có thể hiểu, các triết lý khác là hệ quả, là bộ phận của triết lý phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Bộ. Triết lý này vừa phản ánh, vừa cụ thể hóa con đường, quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng từ khi có Đảng lãnh đạo là độc lập dân tộc và chủ chủ nghĩa xã hội.
2. Giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội và môi trường - ba trụ cột phát triển bền vững Đông Nam Bộ
Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp hợp lý, chặt chẽ và hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường([iv]). Quan điểm phát triển bền vững là chủ trương nhất quán của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, được lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Phát triển bền vững là con đường tất yếu của nhân loại và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Nội dung triết lý phát triển bền vững Đông Nam Bộ trong Nghị quyết 24-NQ/TW là quá trình xây dựng tổng thể môi trường sinh tồn ổn định, hài hòa, tiến bộ với ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường.
- Về kinh tế, Nghị quyết 24-NQ/TW yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Quan điểm và mục tiêu phát triển trong Nghị quyết 24-NQ/TW xác định: “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước” vào năm 2030. “Trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ”([v]) vào năm 2045. Cụ thể, Nghị quyết 24-NQ/TW định hướng, giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD([vi])… Có thể khẳng định, tăng trưởng kinh tế bền vững là tiền đề, điều kiện quan trọng để thực hiện các mục tiêu chính trị, văn hóa, xã hội, là cơ sở để phát triển bền vững. Bởi vì, trong mọi chế độ xã hội, kinh tế là yếu tố quyết định đến các mặt, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Không thể nói Đông Nam Bộ phát triển bền vững mà kinh tế không tăng trưởng, “dậm chân tại chỗ”, tăng trưởng âm,... hoặc tăng trưởng không ổn định, đề kháng yếu trước những biến động của thị trường, chiến tranh thương mại, sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, dịch bệnh,...
- Về xã hội hài hòa, toàn diện là mục tiêu, tiêu chí của con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa Đông Nam Bộ đã được Nghị quyết 24-NQ/TW chú trọng. Trong thời gian tới, cần xác định: “thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng”([vii]). Phát triển xã hội Đông Nam Bộ là phát triển tất cả các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội; quan tâm đến vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tích cực để phát triển toàn diện con người; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;... Do đó, Nghị quyết 24-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2045, Đông Nam Bộ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa và xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
- Về môi trường. Nghị quyết 24-NQ/TW yêu cầu duy trì môi trường sống hài hòa; cắt giảm khí thải, chất thải; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh;... Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 100%, nông thôn là 95%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
3. Định hình, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng là phương thức phát triển Đông Nam Bộ
Liên kết nội vùng và liên vùng ở Đông Nam Bộ được hiểu là những mối liên hệ tương hỗ, mang tính ổn định giữa các địa phương, các chủ thể trong vùng Đông Nam Bộ và giữa các địa phương, chủ thể vùng Đông Nam Bộ với các địa phương, chủ thể vùng khác nhằm tranh thủ cơ hội, khai thác tối đa nguồn lực, khả năng và khắc phục thách thức trong quá trình đổi mới ở Đông Nam Bộ hiện nay. Với tư cách là xu thế tất yếu, phản ánh tính quy luật trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập ở Đông Nam Bộ hiện nay, liên kết nội vùng và liên vùng là một phương thức phát triển nhanh, bền vững. Đây là phương thức quan trọng trong quá trình phát triển của vùng, vì nó phản ánh tính khách quan của những mối liên hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của các địa phương, chủ thể. Bởi vì, sức mạnh và năng lực của Đông Nam Bộ không chỉ đến từ các địa phương, chủ thể, mà còn chịu ảnh hưởng quyết định (trong một số trường hợp nhất định) bởi số lượng, chất lượng của mối liên kết giữa các địa phương, chủ thể. Thực tiễn cho thấy, mối liên kết vùng càng tích cực, chặt chẽ, hiệu quả thì kinh tế tăng trưởng, chính trị - xã hội càng ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao. Do đó, Nghị quyết 24-NQ/TW khẳng định: “Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng. Tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN và thế giới”([viii]).
Thời gian qua, việc thực hiện liên kết nội vùng và liên vùng ở Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, năng lực tổ chức của Chính phủ và các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, Nghị quyết 24-NQ/TW cũng chỉ ra: “Liên kết nội vùng và liên vùng chưa hiệu quả”([ix]). Cụ thể: mạng lưới kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; các quy hoạch chất lượng chưa cao, thiếu liên kết, không đồng bộ, thậm chí xung đột, chồng chéo; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ còn hạn chế;... Thực tế cho thấy, việc định hình, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng vẫn còn những điểm nghẽn cần được khai thông, tháo gỡ để phát huy hiệu quả vai trò của liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển toàn diện Đông Nam Bộ hiện nay.
Nhằm định hình, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng khu vực Đông Nam Bộ thời gian tới, Nghị quyết 24-NQ/TW đã chỉ ra những phương hướng, giải pháp: (1) Thúc đẩy, tăng cường xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với hệ thống đường sá, cảng hàng không, cảng biển, cảng trung chuyển gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực logistics; phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng; (2) Xây dựng Đông Nam Bộ thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông; phát huy vai trò, vị trí chiến lược, “cửa ngõ” giao thương của Đông Nam Bộ hiện nay; (3) Tăng cường kết nối các ngành, lĩnh vực: tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; tăng cường liên kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển kinh tế biển gắn với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, lợi thế phát triển công nghiệp; (4) Liên kết nội vùng, liên kết vùng trên cơ sở nắm bắt xu hướng phát triển của thời đại, cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó chú trọng phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; (5) Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, chú trọng thống nhất nhận thức và hành động của hệ thống chính trị về tầm quan trọng của liên kết nội vùng, liên vùng trong phát triển vùng. Xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết nội vùng với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Trung Bộ và mở rộng hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác quốc tế khác; phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh;...
4. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân là tiêu chí, mục tiêu của quá trình phát triển
Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân là nội dung quan trọng cần thực hiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đề cập đến tính tất yếu việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần và bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh từng trả lời câu hỏi về mục đích của chủ nghĩa xã hội như sau: “Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”([x]). Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), nhấn mạnh: “Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”([xi]). Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân là tiêu chí của sự phát triển. Bởi lẽ, không thể nói một quốc gia, một khu vực phát triển bền vững khi mà đời sống kinh tế, văn hóa, điều kiện phát triển của nhân dân không được cải thiện, không được chăm lo; các chỉ tiêu phát triển thể trạng, tinh thần của con người không được nâng lên; các dịch vụ y tế, giáo dục, chính sách an sinh xã hội,... không được cải thiện, hoàn thiện. Vì vậy, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân là mục tiêu của sự phát triển, vì mục đích cuối cùng của cách mạng xã hội chủ nghĩa là giải phóng con người, nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của con người.
Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, khi xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng đã chú ý đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân vùng Đông Nam Bộ, xem đây là tiêu chí để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết và là mục tiêu để xây dựng, tổ chức thực hiện Nghị quyết.
- Trong việc đánh giá bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24-NQ/TW cho rằng, thực tế thực hiện chính sách y tế, nhà ở chậm được khắc phục, chưa đáp ứng các tình huống bất thường, nhất là với công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; môi trường sống (tự nhiên, xã hội) của người dân chậm được cải thiện, chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải, khoảng cách giàu - nghèo chậm được thu hẹp.
- Trong việc xác định quan điểm phát triển, Nghị quyết 24-NQ/TW xác định vùng Đông Nam Bộ thực hiện “chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu” với 03 trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường. Thực hiện chủ trương phát triển hài hòa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, các tiểu vùng; giữa kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước góp phần xây dựng không gian sinh tồn thuận lợi cho con người. Đồng thời, Nghị quyết 24-NQ/TW chú trọng nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp; giữ vững môi trường xã hội và điều kiện phát triển con người, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Trong việc xác định các mục tiêu phát triển, Nghị quyết đã xác định các mục tiêu phát triển qua hai cột mốc là năm 2030 và 2045. Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030), đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đông Nam Bộ được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Những tiêu chí định này được lượng hóa qua các tiêu chí cụ thể, như: tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 100%, nông thôn là 95%. Kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2045), Nghị quyết xác định, Đông Nam Bộ có sự hài hòa trong phát triển giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
- Trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 24-NQ/TW xác định, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là một trong sáu nhiệm vụ, giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Trong đó, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội là động lực phát triển; tập trung đầu tư cho khoa học, công nghệ, phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao với tư cách là một đột phá chiến lược; nâng cấp hệ thống y tế, y tế dự phòng, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; quản lý xã hội hiệu quả, cải tạo môi trường sống tự nhiên, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh;...
Như vậy, với việc điểm qua một số vấn đề về nội dung không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân vùng Đông Nam Bộ, có thể khẳng định đây là một triết lý phát triển trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Đảng. Triết lý này vừa là tiêu chuẩn, thước do của sự phát triển, vừa là mục tiêu của sự phát triển, phản ánh tinh thần nhân văn của Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, vừa phản ánh bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, quán triệt và thực hiện hiệu quả triết lý này trong thực tiễn góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
5. Kết luận
([i]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69
([ii]) và (11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.104 và 116
([iii]), (5), (6), (7), (8) và (9) Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
([iv]) Xem: Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), Hà Nội, 2004, tr.4-5
([x]) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30
Tag:
ThS. TRẦN NHẬT MINH; ThS. ĐỖ THỊ KIM PHƯƠNG Ban biên tập
Video
Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II đón tiếp Đoàn đại biểu Trường Đảng Tỉnh uỷ Quảng Đông, Trung Quốc
Học viện Chính trị khu vực II tổ chức chuỗi các sự kiện chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 75 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam (1949 - 2024)
Lễ dâng hoa Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương Phòng Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh: Tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước
Hội thảo khoa học “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức trong tình hình mới”
Liên kết website