
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 37 nghìn điểm cầu tại các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương; các đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy và điểm cầu cấp huyện, cấp xã với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự. Hội nghị được truyền hình trực tiếp trên các kênh, sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Dự Hội nghị tạiđiểm cầu Hội trường Diên Hồng có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lương Cường, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước dự tại điểm cầu Bình Dương. Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước dự tại điểm cầu Long An. Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Dự hội nghị tại các điểm cầu có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Quân ủy Trung ương; Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam; các hiệp hội doanh nghiệp Trung ương và địa phương; các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các tập đoàn tư nhân và một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước; các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự tại điểm cầu Nghệ An. Tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minhdự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện, các đồng chí trợ lý, thư ký Giám đốc Học viện, Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện; cấp ủy các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Học viện và toàn thể đảng viên trong Đảngbộ Học viện.
Hội nghị quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giới thiệu các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của Nghị quyết số 68-NQ/TW
Trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết”, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khái quát các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân từ trước đến nay, thực trạng của khu vực tư nhân với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm và các quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới.
Theo Đồngchí Phạm Minh Chính, kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về kinh tế tư nhân. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm, định hướng của Đảng, tạo khung pháp lý thống nhất, thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh bình đẳng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 68/NQ-TW mới được ban hành tròn 2 tuần, nhưng đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh hồ hởi đón nhận, xem đây là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho kinh tế tư nhân, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là: kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế; Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.
Để Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, đồngchí Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phân công nhiệm vụ với thời hạn cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng chí cũng tin tưởng, với những giải pháp mang tính cách mạng, đột phá, Nghị quyết số 68-NQ/TW là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, “tiếp lửa” cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dấn thân, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, tạo dựng những giá trị mới, cùng cả nước vươn lên trong kỷ nguyên mới
TạiHội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫntrình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫngiới thiệu các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của Nghị quyết số 66-NQ/TW
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, bao gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Nghị quyết 66-NQ/TW chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới thì công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo. Cụ thể gồm: bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật; xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước; xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xác định rõ đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, mọi nỗ lực phải hướng đến mục tiêu chung: tạo dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho khát vọng vươn lên của dân tộc. Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang, đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu mỗi cơ quan, mỗi cá nhân phải biến quyết tâm thành hành động cụ thể: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, song song với việc thi hành nghiêm minh pháp luật và khuyến khích sáng tạo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, đồng thời kêu gọi thắp lên ngọn lửa "Đổi mới - Khát vọng - Hành động", vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai của dân tộc. Những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá là: Nghị quyết số 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết số 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết số 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Quang cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị về thể chế, pháp luật, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhânđược Tổng Bí thư gọi là “bộ tứ trụ cột chiến lược”, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu nhưng có liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện, cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và cùng thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nhấn mạnh những năm qua, đất nước đã đạt được những thành tựu toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, Tổng Bí thư nêu rõ, chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới; phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025–2030) và những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025 - năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, đồng thời yêu cầu cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá, bởi nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.
Tổng Bí thư quán triệt, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn.
Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước. Trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phátbiểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đồng thời hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết trong thời gian tới.
Trước khi diễn ra Hội nghị,tại Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu đã tham quan triển lãm “Những thành tựu trong xây dựng và thi hành pháp luật”; “Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân”./.