Trong không khí Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chi hội Khoa học Lịch sử Học viện Chính trị khu vực II về thăm Khu Di tích Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tại ấp Tân Định, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương ngày nay - Địa chỉ đỏ mang dấu ấn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.


Đoàn dâng hương tại Khu Di tích Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh
Trong những ngày tháng Tư lịch sử cách đây 50 năm, tại Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh (còn gọi là Sở chỉ huy Căm Xe[1]) đã diễn ra nhiều quyết định quan trọng thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, trực tiếp, kịp thời và nhanh chóng của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ ngày 26-30/4/1975), song Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất.
Trước đó, ngày 25/3/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định thành lập ở Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam tại ấp Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước). Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị quyết định đặt tên Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định này một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và nghệ thuật điều hành kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng. Tin chiến dịch được mang tên Bác Hồ đến với toàn quân, toàn dân đã tạo nên sức mạnh mới, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quân và dân ta.

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh sắp mở màn, để thuận lợi trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ở căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh - Sông Bé (nay là Bình Phước) đã được Bộ Chính trị, trực tiếp là đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng quyết định chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn ấp Căm Xe, xã Minh Thạnh, huyện Dầu tiếng, tỉnh Sông Bé (nay là ấp Tân Định, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) đặt Sở chỉ huy. Nơi đây đã diễn ra các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, vào 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu; tại căn cứ Căm Xe đã chứng kiến những giờ phút sôi động nhất, với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, với phương châm “một ngày bằng hai mươi năm” khi các cánh quân của ta “thần tốc” hàng ngày báo cáo Bộ Chỉ huy Chiến dịch những thắng lợi giòn giã, diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh cho tới khi thắng lợi hoàn toàn. Với vị trí chiến lược quan trọng, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp, sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa Xuân lịch sử 1975.
Với tầm vóc lịch sử to lớn cùng với ý nghĩa chính trị quan trọng, ngày 11/5/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Khu Di tích có tổng diện tích là 6.182.96m2 (vị trí đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng xác định năm 1987), bao gồm các hạng mục công trình chính như: Nhà tưởng niệm, Bia chiến thắng, các khu tái hiện phòng hội nghị, bếp Hoàng Cầm,... tái hiện lại cột mốc lịch sử quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại của đường lối kháng chiến đúng đắn, độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta và là sự hội tụ tầm cao trí tuệ, bản lĩnh, con người Việt Nam. Ý nghĩa vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã nâng tầm giá trị lịch sử - văn hóa của Di tích Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh lên một vị trí đặc biệt quan trọng. Khu Di tích xứng đáng là biểu tượng, niềm tự hào của Đảng bộ, Nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
[1] Căm Xe theo lịch sử địa phương, đây là một vùng đất lâu đời, có một khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý, bên cạnh có dòng suối. Chính dòng suối này, với những đặc điểm thuận lợi mang tính chất “thượng võ” đã tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta đánh đuổi kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tin và ảnh: Chi hội Khoa học Lịch sử Học viện Chính trị khu vực II