xem cỡ chữ
T
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
---------------
Thưa đồng chí Lý Thư Lỗi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; Ban Giám hiệu, các giáo sư, giáo viên và học viên nhà trường các đồng chí,
Thưa các đồng chí Trung Quốc và Việt Nam,
1. Hôm nay, Tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức vui mừng nhân chuyến thăm tới Trung Quốc, có dịp đến gặp gỡ, trao đổi tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc (Học viện Hành chính quốc gia). Tôi chân thành cảm ơn các đồng chí đã giúp thu xếp đón tiếp và làm việc với Tôi và Đoàn đại biểu Việt Nam.
Chúng tôi được biết Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Học viện Hành chính quốc gia) là trường đào tạo cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp, cán bộ thanh niên, trung niên ưu tú trên toàn quốc, có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu, tuyên truyền, thúc đẩy xây dựng tư tưởng, lý luận của Đảng; là cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và triết học quốc gia cũng như một tổ chức tư vấn cao cấp kiểu mới đặc sắc Trung Quốc. Trường được vinh dự đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng là Hiệu trưởng. Tôi đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà các đồng chí đã đạt được, xứng đáng là "địa chỉ đỏ", "mái trường đỏ" cho cán bộ các cấp, các ngành, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đến học, nâng cao trình độ và tu dưỡng bản thân.
Các đồng chí lãnh tụ, lãnh đạo của Trung Quốc như đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ đều từng đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt coi trọng vai trò của Trường Đảng Trung ương. Với bề dày lịch sử, những đóng góp quan trọng và thành tích nổi bật, Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay trên các phương diện, cả về nghiên cứu giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy phát triển để phía Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.
2. Các đồng chí Trung Quốc đã khẳng định rõ sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước Trung Hoa. Với đường lối cải cách, mở cửa, sáng tạo không ngừng, từ năm 1978 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhân dân Trung Quốc anh em đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, như các đồng chí thường nói là "thay đổi long trời lở đất" được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và nể phục. Nhân dân Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tạo đà và nền tảng chắc chắn để hướng tới mục tiêu 100 năm thứ hai là trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hoà và tươi đẹp, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Những thành tựu to lớn đó là kết quả rực rỡ trên thực tiễn từ lý luận tiên phong của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết tinh là Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh, phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn, giành lại độc lập dân tộc, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ đó và qua những thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng đã khẳng định.
3. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cán bộ và công tác cán bộ là một vấn đề "rất trọng yếu, rất cần kíp", "quyết định mọi việc" và "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", nên "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Người cũng khẳng định "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế" và "Thực tiễn không có lý luận thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận không có thực tiễn là lý luận suông". Trong chặng đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc lần này, Tôi và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đến thăm Quảng Châu, kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới tên Lý Thuỵ đến Quảng Châu hoạt động cách mạng với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Tại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, các vấn đề về cán bộ và lý luận luôn là một trong những vấn đề căn cốt, được đặc biệt nhấn mạnh và coi trọng qua các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác cán bộ, đào tạo cán bộ và công tác lý luận là sự quan tâm đặc biệt của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng và dân tộc Việt Nam, người đảng viên kiên trung, có uy tín, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhà lý luận sắc bén và là "người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc" như lời viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Một trong những công việc trọng tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới là làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Đại hội được chúng tôi xác định là dấu mốc quan trọng, mốc son của thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên của dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Qua việc đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết lý luận và thực tiễn trong 36 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và 40 năm đổi mới, chúng tôi đúc kết hệ thống lý luận về công cuộc đổi mới, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là hệ thống tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về các mục tiêu phát triển, đặc trưng, phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, con người, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, quản lý tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
4. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, có truyền thống hữu nghị lâu đời, hai nước có nhiều điểm tương đồng về chế độ chính trị, con đường phát triển, truyền thống văn hoá xã hội; đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đang tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của mỗi nước. Mối quan hệ "vừa là đồng chí vừa là anh em" do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước, cần được kế thừa, gìn giữ và phát huy.
Thời gian qua, dưới sự định hướng chiến lược, trực tiếp thúc đẩy của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hai bên xác lập tầm mức mới cho quan hệ song phương, nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên nhiều phương diện đã đạt được những thành tựu to lớn, bao gồm hợp tác về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm.
5. Tôi được biết, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Trường Đảng Trung ương Trung Quốc với các đối tác của Việt Nam, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển sâu rộng. Tính đến nay, hai Trường đã có hơn 30 năm quan hệ hợp tác (từ năm 1993) với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như trao đổi đoàn theo các văn bản thoả thuận đã ký, tổ chức các đoàn nghiên cứu khảo sát theo đề tài khoa học và các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, mời chuyên gia, học giả của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc sang Việt Nam trao đổi chuyên đề. Các hoạt động hợp tác đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy, đổi mới khung chương trình và phương pháp đào tạo, nghiên cứu, tư vấn chính sách của Học viện; làm phong phú thêm thành quả lý luận nói chung của hai Đảng; đóng góp vào việc tăng cường các lĩnh vực hợp tác giữa hai Đảng.
Hôm qua, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tôi cũng đã chứng kiến việc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong giai đoạn mới với những điều khoản, nội dung rất phong phú, cụ thể.
Nhân dịp này, Tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với thành quả hợp tác giữa Trường Đảng Trung ương Trung Quốc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng như các đối tác của Việt Nam thời gian qua; đồng thời cảm ơn sâu sắc Ban lãnh đạo, tập thể giáo sư, giảng viên của Trường đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các lớp đào tạo cán bộ các cấp tại Trung Quốc, cử giảng viên sang Việt Nam để trao đổi chuyên đề. Điều này thể hiện sự tin cậy chính trị ở mức rất cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, tin cậy chính trị giữa hai Đảng dành cho nhau; thể hiện sâu sắc tinh thần “đồng chí, anh em” luôn giúp đỡ, hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trong mọi phương diện, mọi hoàn cảnh.
6. Trên cơ sở thành quả hợp tác thời gian qua, để làm sâu sắc thêm nội hàm của tầm cao mới trong quan hệ hai Đảng, hai nước, Tôi đề xuất một số gợi mở để hai Trường nghiên cứu nhằm tăng cường hợp tác trong thời gian tới:
Một là, thúc đẩy giao lưu, trao đổi đoàn. Phía Việt Nam hoan nghênh, trân trọng mời các đồng chí lãnh đạo và các giáo sư, chuyên gia của Trường sang thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ công tác, thúc đẩy tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Hai là, phát huy ưu thế chính trị của quan hệ kênh Đảng, tăng cường trao đổi lý luận về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, các vấn đề ý thức hệ, góp phần tham mưu cho Trung ương hai Đảng về những vấn đề quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, phòng, chống các âm mưu “diễn biến hoà bình”, “cách mạng màu”.
Ba là, mở rộng các hình thức trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận. Hai bên có thể đồng tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học, toạ đàm bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; tiếp tục trao đổi về triển khai các đề tài nghiên cứu lý luận chung về các vấn đề mới, quan trọng mà hai bên cùng quan tâm.
Bốn là, Việt Nam hiện nay rất có nhu cầu về việc nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, đề nghị Trường Đảng Trung ương Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ cho Việt Nam theo các hình thức linh hoạt.
Chúc đồng chí Lý Thư Lỗi, Trần Hy, Tạ Xuân Đào, các đồng chí Trung Quốc và Việt Nam mạnh khoẻ, hạnh phúc và tiếp tục thành công hơn nữa trên cương vị công tác của mình./.
GS,TS Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Tag:
Nguồn: hcma.vn
Video
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Công nghiệp văn hóa ở một số quốc gia châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam: Sách tham khảo
Di cư lao động xuyên biên giới của một số tộc người ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Sách chuyên khảo
Giáo trình Xã hội học pháp luật: Nối bản lần 1
Bác Hồ với công tác văn phòng, văn thư và lưu trữ
Liên kết website