Sign In

PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ NĂNG LỰC CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

  14:19 05/03/2024
Tóm tắt: Hiện nay, trên nhiều diễn đàn, không gian mạng, các phần tử cơ hội, thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, đưa ra những lý lẽ và lập luận thiếu khoa học, phi lý để phủ nhận năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, nhận diện và phê phán quan điểm sai trái, phủ nhận năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là việc làm cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

1. Đặt vấn đề

Từ khi trở thành Đảng cầm quyền đến nay, nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng đều đặt ra cho Đảng những yêu cầu cụ thể về năng lực cầm quyền. Thực tiễn đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là người lãnh đạo, tổ chức và quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung thuật ngữ “năng lực cầm quyền” vào mục tiêu tổng quát “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”(1). Cùng với đó, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2025, Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng…”(2). Có thể nói, năng lực cầm quyền của Đảng là năng lực hoạch định nội dung cầm quyền, xác định phương thức cầm quyền đúng đắn, phù hợp để lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện nội dung cầm quyền của Đảng đi đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thể hiện ở năng lực hoạch định đường lối cách mạng trên cơ sở lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn cách mạng Việt Nam; lãnh đạo Nhà nước và xã hội cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu thực hiện đường lối của Đảng; lãnh đạo các lực lượng và lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội. Việc xác định đúng năng lực cầm quyền của Đảng không chỉ giữ vững vị thế, vai trò cầm quyền, mà còn là minh chứng phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng. Vì vậy, phải nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, giữ vững sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết chỉ tập trung nhận diện quan điểm sai trái trên một số lĩnh vực và đưa ra luận cứ phản bác để giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Nhận diện các quan điểm sai trái phủ nhận năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sảnViệt Nam

Thời gian gần đây, các thế lực phản động, thù địch sử dụng 63 đài phát thanh có chương trình Việt ngữ, trên 400 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản tiếng Việt, hàng nghìn website, blog; hằng năm có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng, 28.000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, phát tán qua đường bưu điện quốc tế dưới dạng quà cáp, gần 11.000 ấn phẩm được đưa vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau(3). Trên các phương tiện đó, chúng đăng tải hàng nghìn, hàng vạn tin, bài xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận năng lực cầm quyền của Đảng. Chúng thúc đẩy các hội, nhóm “xã hội dân sự” trong nước, hậu thuẫn cho hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng chống chế độ; ủng hộ, cổ vũ, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có biểu hiện hoạt động chống đối trong nước, tạo điều kiện kết nối với mạng lưới phản động ngoài nước, tìm cách đưa người ra nước ngoài huấn luyện và tung về nước hoạt động chống phá. Tựu trung lại, có thể nhận diện các quan điểm sai trái, phủ nhận năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là xuyên tạc giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch luôn tính toán để tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Họ thổi phồng cái gọi là “chủ thuyết phát triển mới”, đối lập chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Lênin, kêu gọi dùng “chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin(4). Họ cố tình xuyên tạc: “Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”(5). Lợi dụng sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục theo con đường xã hội chủ nghĩa sẽ đi vào “vết xe đổ”. Mặt khác, chúng viện dẫn hết sức phiến diện về sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, từ đó quy chụp bản chất của chế độ, truyền bá tư tưởng chính trị đối lập, tác động đến quá trình ban hành chủ trương, chính sách, phủ phận năng lực cầm quyền của Đảng. Đồng thời rêu rao rằng, phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng; nền tảng tư tưởng, tổ chức và hoạt động của Đảng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không phù hợp trong thế kỷ XXI, vì thế, muốn lãnh đạo đất nước đi lên thì phải thay đổi nền tảng lý luận khác, nếu không thì Đảng không thể đảm đương trách nhiệm lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc Việt Nam trong thời đại mới(6).

Thứ hai, phủ nhận năng lực lãnh đạo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm thiết lập hệ thống kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa tại Việt Nam. Các thế lực thù địch lợi dụng triệt để những hạn chế trong quá trình lãnh đạo, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xuyên tạc, là “sự gán ghép chủ quan, duy ý chí”, phủ nhận đường lối, chính sách, thành tựu phát triển kinh tế do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Họ cho rằng, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập, loại trừ nhau, nếu ghép định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường chẳng khác nào như “nước với lửa”, “hai củ khoai bỏ trong một rọ”; Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận phát triển kinh tế thị trường là “xoay trục sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”, là “gác lại mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ bỏ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội”, không khác gì “vỏ đỏ, ruột xanh”(7). Từ đó, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội, gây bất ổn về tư tưởng, làm mất niềm tin của nhân dân vào năng lực cầm quyền của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, các thế lực thù địch phủ nhận giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đề cao sự tiên tiến của văn hóa phương Tây. Họ tìm cách cổ xúy, khuyến khích truyền bá, phổ biến các giá trị tư sản trong lòng xã hội xã hội chủ nghĩa, nhằm lấn lướt các giá trị ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa và tinh hoa văn hóa dân tộc, đề cao “cái tôi” cá nhân. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các thế lực thù địch tuyên truyền, xâm nhập các loại văn hóa độc hại, lối sống cơ hội, thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm vào đời sống xã hội, với mục đích hình thành lối sống tiêu cực, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc và các giá trị của xã hội xã hội chủ nghĩa(8). Họ cho rằng, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta bị mục ruỗng, không còn sức để giữ gìn, do đó cần lập các kênh hoặc một số trang mạng xã hội để dạy về văn hóa(9). Đảng nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống như là một công cụ để củng cố “chủ quyền chính trị”. Bởi lẽ, đề cao các giá trị văn hóa chính là “chống lại bành trướng các giá trị tự do dân chủ của phương Tây”. Chính sách về văn hóa của Việt Nam là phiên bản đặc thù theo “chủ nghĩa tân bảo thủ” có nguồn gốc Trung Quốc, để tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ thị trường(10).

3. Phê phán một số quan điểm sai trái phủ nhận năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Một là, cần nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở, mang bản chất cách mạng và khoa học, luôn phát triển, không ngừng sáng tạo, được trải nghiệm qua thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới. Sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng không phải được xây dựng trên ý muốn chủ quan, mà được xác lập trên cơ sở khách quan với chiều dài lịch sử phát triển của Đảng. Đó là vấn đề lịch sử - tự nhiên, vấn đề hiện thực khách quan. Nhờ vậy, Đảng đề ra được đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng đúng đắn, khẳng định năng lực cầm quyền của Đảng. Bài học không trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin của Gioóc-ba-chốp và đồng bọn đã dẫn đến sự sụp đổ và tan ra của Liên Xô năm 1991, buộc họ phải trả giá cho lịch sử. Trong quá trình cải tổ, chủ nghĩa cơ hội - xét lại Gioóc-ba-chốp viện cớ chống giáo điều hóa chủ nghĩa Mác - Lênin để phủ nhận và bác bỏ tất cả nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa khoa học, cách mạng này. Thực tế là đã làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô mất đi nền tảng, kim chỉ nam cho hành động, không còn hệ tư tưởng chỉ đạo của Đảng, dẫn đến Đảng tan rã về mặt tư tưởng - chính trị, tạo điều kiện cho tư tưởng tư sản xâm nhập vào, đánh mất nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì thế, đây là sự trả giá do không trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời, khẳng định một sự thật trong lịch sử chưa hề có việc do trung thành với học thuyết Mác - Lênin mà phải trả giá trước lịch sử.

Trong suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem mình là học trò của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin. Đảng khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất sản sinh ra tư tưởng Hồ Chí Minh, là cái cốt lõi nhất đem lại cho tư tưởng ấy tính cách mạng và tính khoa học(11). Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều xuất phát từ nguồn gốc lý luận Mác - Lênin. Từ ý nghĩa này, dù bất cứ tình hình nào cũng không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh thay thế cho chủ nghĩa Mác - Lênin, bởi vì chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết có hệ thống, học thuyết khung bền vững, năng động, không ngừng được bổ sung và phát triển. Tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, sáng tạo và phát triển trên cơ sở chủ yếu nhất từ chủ nghĩa Mác - Lênin. Phủ nhận và xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, dùng “Chủ nghĩa Hồ Chí Minh” là làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng mất đi cơ sở tồn tại, “biến chất đổi màu”, làm cho kim chỉ nam hành động bị chệch đường và lạc hướng. Do đó, trong nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể thống nhất, không đối lập và không thể tách rời nhau, vì làm như vậy tức là phủ nhận mối liên hệ nội tại về logic và lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(12). Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng nêu rõ: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu, phát triển vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(13).

Chính vì vậy, trước sau như một, Đảng phải kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Điều đó đã đúng trong lịch sử, đang đúng trong hiện tại và sẽ càng đúng trong tương lai. Do đó, những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo và phát triển đất nước là hoàn toàn phi nghĩa. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử; là chân lý đã được thử thách và kiểm nghiệm, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(14).

Hai là, khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương xóa bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa(15) mà Đại hội lần thứ IX của Đảng đã xác định. Quan điểm này đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong tư duy và quan niệm của Đảng về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn nước ta. Từ đó đến nay, nhận thức này luôn được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”(16). Có thể nói, đây chính là kiểu kinh tế thị trường mới, chưa từng có trong tiền lệ lịch sử, là một đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng, thể hiện năng lực cầm quyền trong việc hoạch định đường lối phát triển đất nước xuất phát từ thực tiễn, không rập khuôn, giáo điều, không “gán ghép chủ quan, duy ý chí”, “chẳng những không đối lập mà còn là một phần nhân tố khách quan cần thiết của việc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa”(17).

Đây không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ mà là nền kinh tế có sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc trên quan điểm khoa học, khách quan những thành tựu mà nhân loại đã đạt được (khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý).

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế năm 2023 của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 3,41%; Quý II tăng 4,25%; Quý III tăng 5,47%; Quý IV tăng 6,72%). Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm trước(18). Tính đến cuối năm 2023, đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu của Việt Nam đề nghị xem xét công nhận(19). Đây là những “con số biết nói” khẳng định thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ba là, Việt Nam là một đất nước với nghìn năm lịch sử, trải qua biết bao biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc, đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại. Các giá trị văn hóa được hình thành trong lịch sử sẽ được duy trì bền vững, trao truyền, neo chốt trong cộng đồng qua thời gian và không gian với các chuẩn mực, khuôn mẫu, phong tục tập quán. Chính vì vậy, các giá trị văn hóa của dân tộc có vai trò liên kết cộng đồng, gắn kết cá nhân với cộng đồng, quá khứ với hiện tại và tương lai. Lịch sử đã cho thấy, dân tộc Việt Nam rất kiên cường dù trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và hơn 100 năm Tây thuộc nhưng vẫn không bị đồng hóa, nhiều thế lực ngoại xâm không thể xóa sổ được dân tộc Việt Nam. Nó đã được khái quát thành quy luật vận động trong xã hội: văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa suy thì dân tộc yếu, văn hóa mất thì dân tộc diệt. Thực tiễn phát triển của thế giới cho thấy, mỗi quốc gia, dân tộc chỉ có thể phát triển được và phát triển bền vững trên cơ sở giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Trong quá trình phát triển đó, các dân tộc giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa, văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Chống “xâm lăng văn hóa” là hoàn toàn khách quan, đúng đắn nhằm “thanh lọc” những yếu tố văn hóa không phù hợp với dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, song vẫn “hòa nhập” với xu thế của thời đại.

Thực tế cho thấy, toàn cầu hóa đã và đang tạo nên xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phát triển trong bối cảnh quốc tế mới với những biến đổi nhanh, khó lường, phức tạp, văn hóa dân tộc phải chịu những tác động trái chiều là điều không thể tránh khỏi. Những biểu hiện đó không chỉ xuất hiện trong cuộc sống đời thường, mà còn thâm nhập vào cơ quan công quyền ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ là những “hiện tượng”, không thuộc về “bản chất” trong nền tảng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa truyền thống dân tộc. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định quan điểm văn hóa là sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “… lấy văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng”(20). Đặc biệt, sau 75 năm (kể từ ngày 24/11/1946 với Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất), ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Thực tế đã chứng minh, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa luôn nhất quán, không ngừng bổ sung, phát triển và ngày càng sâu sắc hơn, góp phần quan trọng khẳng định năng lực cầm quyền của Đảng, năng lực lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tóm lại, việc nhận diện và phê phán những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch bằng những minh chứng cụ thể đã chứng minh tính đúng đắn và năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, tiếp tục tăng cường, giữ vững niềm tin của nhân dân vào năng lực lãnh đạo, tính chính đáng cầm quyền của Đảng. Với bản lĩnh được tôi luyện qua thực tiễn cách mạng gần một thế kỷ, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó. Mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đòi chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận năng lực cầm quyền của Đảng đối với giai cấp, dân tộc và xã hội sẽ tiếp tục bị vạch trần và tất yếu sẽ thất bạiq

-------------------------------------------------

(1), (2), (12), (13), (15), (16) và (20) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.111, 118, 33, 94, 86, 59-60 và 216

(3) Nguyễn Ngọc Dũng, Vũ Ngọc Kiều Anh, Chủ động nhận diện, đấu tranh chống các thủ đoạn trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, https://tapchitaichinh.vn, ngày 28/4/2023

(4) Nguyễn Đăng Hậu, Nhận diện và xây dựng luận cứ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, https://www.qdnd.vn, ngày 23/4/2023

(5) Vũ Văn Hiền (Chủ biên), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.151

(6) Đình Tăng, Bài 3: Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, https://dangcongsan.vn, ngày 22/02/2023

(7) Nguyễn Ngọc Hồi, Nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, http://tapchiqptd.vn, ngày 10/8/2023

(8) Nguyễn Duy Bắc (Chủ biên), Phát triển văn hóa và con người Việt Nam nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.289

(9) Trần Đông, Không thể lợi dụng vấn đề văn hóa để chống phá, http://quocphongthudo.vn, ngày 31/7/2023

(10) Nguyễn Ngọc Hương, Bác bỏ luận điệu xuyên tạc công tác bảo tồn văn hóa ở nước ta, http://hocvienchinhtribqp.edu.vn, ngày 09/02/2023

(11) Trần Nhâm, Chủ nghĩa Mác - Lênin học thuyết về sự phát triển và sáng tạo không ngừng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.388

(14) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.10

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.26

(18) Tổng cục Thống kê, Một số điểm sáng kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, https://www.gso.gov.vn

(19)Thy Thảo, Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, https://tapchicongthuong.vn, ngày 12/10/2023

Tag:

NGUYỄN ĐỨC TOÀN - TS, Trường Đại học Quy Nhơn

Alternate Text