xem cỡ chữ
T
1. Đặt vấn đề
Thật ngạc nhiên là cho đến nay, vì cố tình bóp méo sự thật, hoặc nông cạn về lý luận, hay thiển cận về tư duy mà một số học giả trên các diễn đàn, trang mạng phản động vẫn tiếp tục ngộ nhận hoặc thù địch cho rằng, giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là “sự gắn ghép cơ học khiên cưỡng” như “nước với lửa” của một kiểu “kinh tế thị trường dị dạng”. Tuy nhiên, mọi hoài nghi, xuyên tạc đã, đang và sẽ trở nên vô nghĩa trước sức sống mãnh liệt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Phối kiểm lý luận và thực tiễn trong tiến trình tích hợp và tự sinh qua gần 40 năm đổi mới không chỉ khẳng định sự phù hợp, giá trị đích thực, chân lý vững chắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mà còn phản ánh xu hướng tiến hóa của mô hình kinh tế thị trường quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện thực trong dòng chảy tất yếu khách quan của lịch sử văn minh nhân loại.
2. Phát triển kinh tế thị trường trên thế giới - từ phổ quát đến điển hình
Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế tất yếu, khách quan của nền sản xuất hàng hóa đã phát triển, ra đời theo quá trình tiệm tiến logic: từ nền kinh tế tự nhiên sang kinh tế hàng hóa giản đơn và đến kinh tế thị trường. Với “bàn tay vô hình” và nội lực sinh ra bởi động cơ lợi nhuận vô hạn của cơ chế thị trường đã thúc đẩy phương Tây phát triển nhanh chóng trong kỷ nguyên định hình phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, giới hạn cuối cùng đi đến tan vỡ của kinh tế thị trường tự do cổ điển là cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, bước ngoặt đánh dấu sự ra đời, phát triển của mô hình kinh tế thị trường hỗn hợp (kết hợp cơ chế thị trường và quản lý nhà nước) từ những năm 1940 - 1950 của thế kỷ XX, trước yêu cầu khách quan của lực lượng sản xuất phát triển được thúc đẩy bởi làn sóng của mạng công nghiệp.
Như vậy, kinh tế thị trường là mô hình phát triển phổ quát đương đại, gắn với những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực chung. Tuy nhiên, vai trò quản lý nhà nước trong mỗi nền kinh tế thị trường không hoàn toàn giống nhau, thể hiện ở mức độ, phương thức tác động, can thiệp của các nhà nước, đặc biệt là do bản chất của chế độ chính trị - xã hội chi phối. Chính vì vậy, không có mẫu số chung cho tất cả nền kinh tế thị trường.
- Phiên bản điển hình thứ nhất là mô hình kinh tế thị trường tự do ở Mỹ được xây dựng dựa trên lý thuyết “chủ nghĩa tự do mới” với đặc trưng đề cao vai trò của chế độ sở hữu tư nhân, cạnh tranh tự do; nhà nước điều tiết nền kinh tế thông qua chức năng bảo đảm ổn định vĩ mô, tham gia vào hệ thống phúc lợi xã hội, ngăn chặn và xử lý các thất bại của thị trường, nhưng hàm lượng không cao(1). Do đó, mặc dù Mỹ sở hữu nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, song, bất bình đẳng và đói nghèo đang đe dọa tương lai ổn định của thể chế này. Theo Credit Suisse Group AG (năm 2020), bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ đã tiến gần mức cao nhất trong ít nhất nửa thế kỷ, với tài sản của 01% người giàu nhất chiếm tới hơn 35% tổng tài sản quốc gia, tương phản với gần 30 triệu người trưởng thành sống trong các hộ gia đình không đủ ăn(2).
- Phiên bản điển hình thứ hai là mô hình kinh tế thị trường xã hội phúc lợi ở Thụy Điển, bắt đầu định hình từ những năm 30 của thế kỷ XX, dựa trên lý thuyết “ngôi nhà chung cho mọi người” của phái xã hội - dân chủ, với khẩu hiệu: “Bình đẳng, đảm bảo xã hội, hợp tác và sẵn sàng giúp đỡ” trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa mở rộng phúc lợi xã hội với phát triển kinh tế tư nhân(3). Theo đó, Thụy Điển đã đạt được những thành công vang dội, từ nước nghèo nhất châu Âu trở thành quốc gia phát triển hàng đầu châu lục này.
So với hai mô hình kinh tế thị trường tự do và xã hội phúc lợi nêu trên, mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, bên cạnh những yếu tố cấu thành của kinh tế thị trường phổ biến, có một số nét đặc thù mang bản chất của chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chế độ công hữu là chủ thể kinh tế nhiều sở hữu cùng phát triển. Kết hợp kinh tế kế hoạch với kinh tế thị trường thông qua nhà nước kiểm soát vĩ mô, chức năng quản lý kinh tế chủ yếu là kiến tạo môi trường, phục vụ chủ thể thị trường(4).
Trước “cải cách, mở cửa” vào cuối năm 1978, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo trên thế giới. 40 năm sau, GDP của nước này tăng 33,5 lần, ước khoảng 12.300 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Thành tựu trên là kết quả của tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn mang dấu ấn thần kỳ của Trung Quốc, với bình quân hằng năm giai đoạn 1978 - 2017 đạt 9,5%, cao gấp 3,3 lần mức tăng trưởng trung bình toàn cầu trong cùng thời kỳ (2,9%/năm)(5).
Từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với vai trò “đầu tàu” của mô hình kinh tế Mỹ cho thấy, chủ nghĩa tư bản đương đại vẫn còn tiềm năng và dư địa để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa trình độ phát triển không có trần giới hạn của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất bị thống trị bởi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất dường như đang đẩy phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bước vào phân kỳ cuối cùng. Những chỉ báo rõ ràng là mức độ gây thương tổn xã hội ngày càng dày về tần suất, lớn về quy mô và rộng về phạm vi của các cuộc khủng hoảng kinh tế(6), bên cạnh xu hướng phân cực giàu nghèo thế giới đang tiệm cận tới giới hạn cuối cùng(7). Trong khi đó, lý thuyết kinh tế học đương đại được dẫn dắt bởi hai trường phái Tân cổ điển (Neoclassical economics) và Keynesian đang tỏ rõ sự bế tắc. Bởi vì, trên thực tế chúng chỉ cung cấp những “liệu pháp” can thiệp “triệu chứng”, tức chỉ giải quyết phần “ngọn” của quan hệ sản xuất mang tính ứng phó, thay vì “tấn công” vào thành trì gốc rễ của chủ nghĩa tư bản - quan hệ sở hữu (đối tượng trọng tâm của Học thuyết kinh tế chính trị Mác - Lênin).
Ở chiều hướng ngược lại, chúng ta đang chứng kiến sự thịnh vượng của mô hình kinh tế thị trường xã hội ở Thụy Điển trên cơ sở nhấn mạnh mục tiêu xã hội và phát triển con người, cùng với sự manh nha ra đời “sàn an sinh xã hội” của mô hình “nhà nước sáng tạo” theo phương thức phân phối cộng sản chủ nghĩa đang được thể nghiệm ở một số nước Bắc Âu (Phần Lan, Hà Lan, Thụy Sỹ, Canada,…) thông qua xã hội hóa ngân sách nhà nước để cấp tiền cho người dân(8). Đặc biệt, sự phát triển thần kỳ của mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc.
Rõ ràng, những mâu thuẫn mang tính nền tảng của kinh tế thị trường đang diễn ra ngày càng gay gắt trong lòng chủ nghĩa tư bản đương đại cùng với những giới hạn (quan hệ sản xuất) không thể vượt qua của chính nó, bên cạnh sự xuất hiện những mẫu hình phát triển bền vững ở Bắc Âu và Trung Quốc là bằng chứng sinh động về quá trình tiến hóa tất yếu, thai nghén sự ra đời mô hình kinh tế mới trên bình diện tổng thể - kinh tế thị trường hậu tư bản chủ nghĩa.
3. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - từ tích hợp đến tự sinh
- Quá trình hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Sự ra đời và phát triển mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là lựa chọn ngẫu nhiên, áp đặt chủ quan, sao chép khiên cưỡng mà gắn liền với toàn bộ tiến trình tích hợp và tự sinh không ngừng trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, trước yêu cầu khách quan của thực tiễn đất nước và xu hướng phát triển của thời đại.
Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) với chủ trương đoạn tuyệt cơ chế tập trung, bao cấp, tạo lập cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã trở thành bước ngoặt lịch sử, giúp Việt Nam từng bước đẩy lùi khủng hoảng kinh tế, xã hội, tạo lập trạng thái ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ VIII (năm 1996), Đảng đã có bước phát triển nhất định về lý luận kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, song thị trường vẫn chỉ là cơ chế để điều tiết nền kinh tế, chưa xác lập thành chỉnh thể.
Đến Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2001), mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về cơ bản đã được định hình trên cơ sở: “Thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(9). Theo đó, mô hình này vừa phản ánh tính phổ quát của nền kinh tế thị trường hỗn hợp (thị trường và Nhà nước), vừa mang tính “định hướng xã hội chủ nghĩa”, với đặc trưng là nền kinh tế nhiều thành phần, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhằm mục tiêu: “Từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(10).
Từ Đại hội lần thứ X (năm 2006) đến Đại hội lần thứ XIII (năm 2021), nhận thức của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục hoàn thiện về nội hàm, mở rộng về chủ thể và gắn kết chặt chẽ về cơ chế vận hành, hình thành chỉnh thể thống nhất trong biện chứng giữa nhà nước, thị trường và xã hội, cùng giao hòa với mô thức phát triển bền vững của thời đại (với ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường); đồng thời, “thẩm thấu” sâu sắc giá trị của chủ nghĩa xã hội. Đó là mô hình kinh tế mở, hội nhập, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, vận hành trong sự kết hợp giữa cơ chế thị trường, quản lý của Nhà nước và vai trò liên kết của các tổ chức xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong đó, thị trường đóng vai trò chủ yếu để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển; Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô nền kinh tế; xã hội phối hợp giải quyết hài hòa lợi ích giữa các chủ thể để tạo nên sức mạnh nội sinh tổng hợp, bảo đảm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, với “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”(11).
Đặc biệt, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên kinh tế tri thức và sự bùng nổ của cuộc cách mạng số hóa, từ Đại hội lần thứ XI (năm 2011), Đảng đã đưa ra “mệnh lệnh” lịch sử: “Đổi mới mô hình tăng trưởng”, với ba đột phá chiến lược (thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng)(12), gắn kết tiếp nối chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nhà nước kiến tạo, chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ”(13).
Nhận thức và định vị “ba đột phá chiến lược” kết hợp với “nhà nước kiến tạo” là sự cộng hưởng tư duy khoa học của Đảng trong nguyên lý phát triển đương đại và sự nhạy bén với thực tiễn phát triển đất nước. Bởi vì, lý thuyết về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển trên cơ sở kết hợp lý thuyết kinh tế thể chế mới và lý thuyết phát triển năng lực của A.Sen (phổ biến rộng rãi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997)(14) hàm ý rằng, sức sáng tạo vô tận của con người là nhân tố trung tâm trong thời đại kinh tế tri thức. Hội tụ và lan tỏa giá trị tri thức trong môi trường thể chế sinh ra “ái lực” và trong không gian vật chất (cơ sở hạ tầng) thuận lợi phải là sản phẩm của một nhà nước kiến tạo phát triển, điều kiện thúc đẩy động lực tăng trưởng không có trần giới hạn trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Như vậy, hàm chứa trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau gần 40 năm phát triển là sản phẩm của sự “tích hợp” tri thức nhân loại trên nền tảng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng với tiến trình “tự sinh” nội tại không ngừng trong thực tiễn đổi mới đất nước. Đó là sự sáng tạo của Đảng được dẫn dắt bởi phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vì vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là mô hình dị biệt trong sự gắn ghép cơ học khiên cưỡng, mà trái lại phản ánh quỹ đạo tiến hóa tất yếu của mô hình kinh tế thị trường đương đại. Do đó, mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là mơ hồ, hư ảo trong sự hoài nghi, mà là hiện thực và chân lý.
Khả năng hiện thực của định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đơn thuần được phản ánh qua mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà gắn với điều kiện, nguồn lực và phương thức do Đảng và Nhà nước lãnh đạo, quản lý nhằm hiện thực hóa mục tiêu. Thật vậy, với sức mạnh vật chất to lớn mà Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân trong nền kinh tế đa thành phần, “kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường”(15).
Kinh tế thị trường ở Việt Nam là nền kinh tế kết hợp hữu cơ giữa cơ chế thị trường và vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo - hai cột trụ nền tảng bảo đảm vững chắc quyền làm chủ của nhân dân - cơ sở thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển kinh tế. Vì vậy, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là hai hợp phần của một chỉnh thể thống nhất trong biện chứng. Kinh tế thị trường là mô thức thúc đẩy tăng trưởng, công bằng xã hội bảo đảm mọi thành viên được thụ hưởng thành quả tăng trưởng để không ngừng gia tăng năng lực và mở rộng cơ hội tham gia hoạt động kinh tế trong sự lan tỏa, bao trùm, kết tụ động lực nội sinh phát triển toàn diện, bền vững.
Thực tiễn kiểm định qua gần 40 năm đổi mới đã và đang khẳng định sự đúng đắn, giá trị đích thực và tương lai rộng mở của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
- Thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Gần 40 năm đổi mới đã giúp Việt Nam đạt những thành tựu kinh tế, xã hội to lớn, mang ý nghĩa lịch sử quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(16).
Thứ nhất, nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng kéo dài; tăng trưởng mạnh mẽ, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, đời sống nhân dân được cải thiện nhanh và xã hội phát triển bao trùm
Nếu như trước đổi mới, GDP Việt Nam tăng trưởng chưa đầy 4%/năm(17), thì giai đoạn sau đổi mới đến nay (1987 - 2022), GDP tăng trưởng bứt phá, bình quân hằng năm là 6,6%(18). Kéo theo quy mô GDP tăng 31 lần, từ khoảng 13 tỷ USD năm 1986 lên 400,9 tỷ USD năm 2022(19). Qua đó, Việt Nam không chỉ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng, nghèo nàn để gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình, mà còn rút ngắn khoảng cách, thậm chí vượt qua thu nhập một số nước trong khu vực. Đơn cử, năm 1990, GDP bình quân đầu người Philippines (715 USD) cao gấp 7,3 lần Việt Nam (98 USD), đến năm 2022, Việt Nam đã vượt xa thu nhập của họ, với 4.163 USD so với 3.597 USD(20).
Tốc độ tăng trưởng này tuy chưa ngang bằng Trung Quốc trong cùng thời kỳ và còn khoảng cách nhất định so với Hàn Quốc ở giai đoạn “cất cánh”(21), nhưng không thể phủ nhận “kỳ tích Việt Nam”. Bởi chúng ta khởi đầu công cuộc đổi mới bên bờ vực sụp đổ vào giữa thập niên 1980, lộ trình đổi mới còn bị thử thách bởi 03 cú sốc nặng nề: khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997; khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và đại dịch COVID-19 năm 2020.
Hình: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010 - 2022
Nguồn(32)
Không chỉ tăng trưởng dài hạn ấn tượng, “kỳ tích Việt Nam” còn được phản ánh qua thành tựu xóa đói, giảm nghèo. Năm 1990, tỷ lệ nghèo trong cả nước chiếm tới gần 70%(22), đến cuối năm 2022 giảm xuống chỉ còn 4% (theo chuẩn nghèo đa chiều mới)(23). Theo đó, cộng đồng quốc tế đã thán phục trước kết quả Việt Nam là quốc gia duy nhất đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm một nửa số người nghèo trước 10 năm(24). Vì vậy, xu hướng phân hóa giàu nghèo tham chiếu qua hệ số GINI (từ 0 đến 1) ở Việt Nam thay đổi gần như không đáng kể và đang duy trì trị số của nước có phân phối thu nhập công bằng cao, từ 0,330 (năm 1993)(25) lên 0,374 (năm 2021)(26). Đặc biệt, chỉ số phát triển con người (HDI) có sự tăng tiến nhanh chóng, từ 0,630 (năm 2012) lên 0,726 (năm 2021)(27), đưa nước ta vào nhóm quốc gia phát triển cao. Những thành quả trên là sự minh định rõ ràng và đầy thuyết phục cho hình thái kinh tế tăng trưởng vì người nghèo - mô hình phát triển bao trùm, toàn diện và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ hai, chuyển từ nền kinh tế khép kín, bị bao vây, cấm vận sang nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế sâu rộng, không ngừng gia tăng động lực phát triển trên cơ sở kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại
Những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được đã góp phần xác lập vị thế Việt Nam ngày càng vững chắc trong cục diện chiến lược ở khu vực và trên thế giới. Từ chỗ bị bao vây, cô lập, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia(28), xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 30 quốc gia; ký kết hơn 90 hiệp định thương mại, 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 17 hiệp định thương mại tự do, gần 70 nền kinh tế lớn trên thế giới và bao phủ thương mại tới hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ(29). Kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển vượt bậc, quy mô thương mại quốc tế từ 18% GDP năm 1985(30), tăng lên 180% GDP năm 2022, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có độ mở kinh tế cao nhất thế giới. Đặc biệt, kể từ năm 2016, cán cân thương mại nước ta đã đảo ngược xu hướng từ nhập siêu sang xuất siêu, với xuất khẩu ròng năm 2022 đạt 11,2 tỷ USD(31), làm động lực tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững cho nền kinh tế quốc nội.
Thứ ba, nền kinh tế ổn định trong và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 trên nền tảng không ngừng đổi mới sáng tạo, kết tụ năng lực nội sinh, mở ra triển vọng phát triển nhanh và bền vững
Quá trình tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam được khởi xướng từ năm 2011 đang chứng kiến động thái chuyển biến đầy triển vọng. Kinh tế vĩ mô đang vào quỹ đạo ổn định (bình quân chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam chỉ tăng 2,75%/năm giai đoạn 2016 - 2022 so với 6,69%/năm giai đoạn 2011 - 2015) trên nền tảng kỷ luật tài khóa chặt chẽ, cán cân ngân sách lành mạnh, bình quân bội chi chưa tới 4% GDP/năm so với mức cao giai đoạn 2011 - 2015 (5,4% GDP). Đặc biệt, nợ công quốc gia đã giảm sâu dưới trần giới hạn của Quốc hội, từ 63,5% GDP năm 2016 xuống còn 42,6% GDP năm 2021. Trên cơ sở đó, kể từ năm 2012 đến nay (không tính năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19), nền kinh tế đã đảo ngược xu hướng suy giảm tăng trưởng đầy thách thức trước đó (xem Hình), thậm chí trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới(33).
Rõ ràng, nền kinh tế đang chuyển trọng lực tăng trưởng từ “rộng” sang “sâu”, từ “lượng” sang “lượng - chất”. Xét theo ba yếu tố đầu vào nền kinh tế gồm vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP (phản ánh chất lượng tăng trưởng) cho thấy, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đã cải thiện nhanh chóng, từ bình quân từ 33,6% giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020(34). Tương ứng, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia tăng từ vị trí 59 năm 2016 lên 44/132 nền kinh tế trong năm 2021(35).
Theo đó, sức “đề kháng” và khả năng chống chịu của nền kinh tế đã trở nên vững chắc. Năm 2020, trong bối cảnh thế giới bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng (GDP toàn cầu: -4%), Việt Nam là nước hiếm hoi tăng trưởng dương (2,94%)(36). Năm 2021, nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến chủng Delta của dịch COVID-19. Trung tâm kinh tế Đông Nam Bộ hoàn toàn tê liệt, “đầu tàu” kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh suy thoái sâu (tăng trưởng GRDP: -6,78%)(37), song nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng dương (2,58%), tạo tiềm năng cho năm 2022 nhảy vọt lên 8,02%(38).
Như vậy, động lực tăng trưởng của Việt Nam không chỉ tập trung ở các trung tâm kinh tế của đất nước, mà không ngừng mở rộng ra toàn bộ khu vực ngoại vi, bằng chứng thực tiễn đã khẳng định sức mạnh bao trùm của tiến trình tích hợp và tự sinh trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Kết luận
Những thành quả to lớn đạt được qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đã khẳng định chân lý không thể đảo ngược: mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, phát triển và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn khách quan và xu hướng phát triển của thời đại. Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là hai thành phần hợp thành chỉnh thể thống nhất trong quan hệ biện chứng và cộng sinh của sự vận động và phát triển gắn liền với tiến trình tích hợp - tự sinh bất tận. “Tích hợp” tri thức của nhân loại, trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân từ thực tiễn đổi mới trên nền tảng các nguyên lý và phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở “tự sinh” trong thực tiễn vận động phát triển không ngừng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, tầm nhìn và quyết sách chiến lược của Đảng với lộ trình, mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao không phải là kỳ vọng mơ hồ, mà khả dĩ và hiện thựcq
--------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr.209
(2) Tổng cục Thống kê, Đại dịch COVID-19 nới rộng khoảng cách giàu nghèo trên thế giới, https://consosukien.vn, ngày 09/02/2022
(3) Lê Hữu Nghĩa, Chu Văn Cấp, Hoàng Chí Bảo, Lưu Đạt Thuyết (Đồng chủ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Lào, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010; Geledan, Lịch sử tư tưởng kinh tế, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996
(4) Nguyễn Kim Bảo, Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa có đặc sắc Trung Quốc (Một số đột phá mới về lý luận và thực tiễn từ Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002
(5) N. Roibu, “Embassy of China marks 40th anniversary of policy of reform, openness in country”, https://www.moldpres.md/en/news/2018/09/14/18008178,ngày 14/9/2018
(6) Tính từ thập niên 1950 đến nay, đã có tới 07 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới: 1957-1958; 1965-1967; 1973-1974; 1979-1982; 1990-1991; 1997-1998; 2008-2010
(7) Theo Tổ chức chống đói nghèo (Oxfam), tính đến năm 2016: 1% người giàu nhất của thế giới có tài sản lớn hơn 99% số còn lại, https://vietnamfinance.vn, ngày 18/01/2016
(8) Hoàng Nam, Chính phủ Canada, Hà Lan, New Zealand đang tìm cách chia tiền cho người dân, https://genk.vn/internet, ngày 15/3/2016
(9) và (10) Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.23 và 24
(11) Tác giả khái quát theo: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016; Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.32 - 34
(13), (15) và (36) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.147, 129 và 23
(14) CIEM, VIE, VERP và VCCI, Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2016
(16) Tính toán của tác giả theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2021 - 2022: Việt Nam và Thế giới, Nxb Thông tin truyền thông, Hà Nội, 2022, tr.109; Thời báo Kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2010 - 2011: Việt Nam và Thế giới, Hà Nội, 2021, tr.82; Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Hà Nội, 2022
(17) Nguyễn Thiện Nhân, GDP tăng gấp 30 lần sau Đổi mới, https://www.tienphong.vn/kinh-te/gdp-tang-gap-30-lan-sau-doi-moi-904422.tpo, ngày 02/9/2015
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.8; Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Viết Thông, Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.186
(19) Lê Đăng Doanh, Vạch rõ con đường đi tới, https://tuoitre.vn, ngày 02/9/2021 và Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Hà Nội, 2022
(20) Ban Kinh tế Trung ương, Trang Thông tin điện tử tổng hợp, https://kinhtetrunguong.vn, ngày 04/4/2023; Trương Minh Tuấn, Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ttps://nhandan.vn, ngày 05/6/2017 và Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Hà Nội, 2022
(21) Tăng trưởng GDP Hàn Quốc giai đoạn 1961 - 1979 đạt mức 9%/năm (Byung - Nak Song, Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2002, tr.113-114
(22) Trần Văn Thọ, Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2015, tr.21
(23) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Hà Nội, 2023
(24) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam - Thành tựu, thách thức và giải pháp, Hà Nội, 2006, tr.83
(25) Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tấn công nghèo đói, Hà Nội, 2000, tr.70
(26) và (27) Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022
(28) https://tuyengiao.vn/thoi-su/viet-nam-va-tonga-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-146471
(29)https://vi.wikipedia.org/wiki/Quan_h%E1%BB%87_ngo%E1%BA%A1i_giao_c%E1%BB%A7a_Vi%E1%BB%87t_Nam
(30) Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2021 - 2022: Việt Nam và Thế giới, Nxb Thông tin truyền thông, Hà Nội, 2022, tr.121
(31) Tổng cục Thống kê, Nỗ lực phục hồi, xuất, nhập khẩu năm 2022 lập kỷ lục mới, https://www.gso.gov.vn, ngày 30/01/2023
(32) Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2021 - 2022: Việt Nam và Thế giới, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2022, tr.109 và Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV năm 2022, Hà Nội, 2022
(33) Hà Chính, Kinh tế Việt Nam những năm tới có duy trì tăng trưởng cao?, http://baochinhphu.vn, ngày 26/12/2019
(34) Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2021 - 2022: Việt Nam và Thế giới, Nxb Thông tin truyền thông, Hà Nội, 2022, tr.52
(35) Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO (2017 - 2022)
(37) Tổng cục Thống kê, Tăng trưởng năm 2021 của 05 thành phố trực thuộc Trung ương, https://www.gso.gov.vn, ngày 04/01/2022
Tag:
TS. MAI CHIẾM HIẾU
Video
Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II đón tiếp Đoàn đại biểu Trường Đảng Tỉnh uỷ Quảng Đông, Trung Quốc
Học viện Chính trị khu vực II tổ chức chuỗi các sự kiện chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 75 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam (1949 - 2024)
Lễ dâng hoa Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương Phòng Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh: Tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước
Hội thảo khoa học “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức trong tình hình mới”
Liên kết website