Sáng ngày 27/9/2023, thực hiện Kế hoạch khoa học năm 2023, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Hội khoa học “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ”.

Ban chủ trì Hội thảo
Ban Chủ trì Hội thảo có PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật; TS. Thân Ngọc Anh - Trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học; ThS. Chế Công Tâm - Phó Trưởng Khoa Triết học.

Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có sự hiện diện của PGS, TS. Trần Mai Ước - Chánh Văn phòng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Trần Nguyễn Sĩ Nguyên - Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Về phía Học viện Chính trị khu vực II có sựu tham dự của PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; cùng toàn thể nhà khoa học là giảng viên Khoa Triết học, Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa Nhà nước và Phát luật; các đại biểu có tham luận.

PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định, dân chủ là giá trị chính trị - xã hội mà toàn thể nhân loại luôn hướng đến. Ở Việt Nam, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm chiến lược này. Đồng chí cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường, và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân; tăng cường tạo đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Việc thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đã được lãnh đạo các địa phương trong vùng quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại những hạn chế như: chưa kịp thời lý giải và làm sáng tỏ nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, kỷ cương; nhận thức về dân chủ còn phiến diện;... Đồng chí mong muốn tại Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, nhiều chia sẻ từ quý vị đại biểu để góp phần cho sự thành công của Hội thảo.

TS. Thân Ngọc Anh - Trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Thân Ngọc Anh khẳng định, dân chủ nghĩa là quyền lực của nhân dân, thuộc về nhân dân đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Từ đó đến nay, nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ đã vận động, biến đổi, phát triển không ngừng, gắn với các giai đoạn phát triển của xã hội loài người. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Việt Nam chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ mà ở đó tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân; pháp luật của Nhà nước vì lợi ích của nhân dân. Đồng chí cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 23 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Các bài tham luận tiếp cận ở nhiều góc độ, thể hiện sự tâm huyết trong nghiên cứu khoa học. Với mục đích đề xuất các định hướng, giải pháp, khuyến nghị nhằm thực hành hiệu quả và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ trong những năm tới, TS. Thân Ngọc Anh mong muốn các nhà khoa học tập trung vào các nội dung sau đây: Thứ nhất, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ. Thứ hai, nhận diện những yếu tố tác động đến thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ. Thứ ba, đề xuất định hướng, giải pháp nhằm thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ. Thứ tư, những nội dung khác có liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Tại Hội thảo ngoài báo cáo đề dẫn, có 9 tham luận và nhiều lượt ý kiến nhằm phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận về thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển bền vững nói chung và gắn với địa bàn vùng Đông Nam Bộ nói riêng; Các yếu tố tác động đến thực hành quyền làm chủ của nhân dân; Nhận diện những thành tựu và tồn tại cơ bản việc thực hành quyền và vai trò làm chủ của Nhân dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội với sự phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ; Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ hiện nay,…

PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hội thảo nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng đã đề ra. Qua các kỳ Đại hội, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 - 2011, việc đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, phát huy tính tích cực chính trị - xã hội và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đều được đề cập và phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng chí cho biết, trong Hội thảo, các bài tham luận, các ý kiến trao đổi, thảo luận đã thể hiện sự quan tâm của các học giả, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà chuyên môn, trên nhiều bình diện tiếp cận nội dung Hội thảo, bao quát cả về chiều rộng và chiều sâu, nhiều góc cạnh. Với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong buổi Hội thảo hôm nay đã gợi mở nhiều vấn đề, cung cấp những thông tin bổ ích về mặt lý luận cũng như thực tiễn, giúp cho giảng viên có thêm tư liệu làm giàu thêm bài giảng, gợi mở ra những vấn đề nghiên cứu tiếp theo.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:








Hội thảo kết thúc sáng cùng ngày./.