Báo cáo thời sự định kỳ tháng 6/2023 với chủ đề “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc”

    05/06/2023 10:32 PM


    Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2023, sáng ngày 05/6/2023, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức buổi Báo cáo thời sự định kỳ tháng 6/2023 với chủ đề: “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc” do Đại tá Nguyễn Nhứt - Báo cáo viên Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc phòng - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo.

    Toàn cảnh buổi Báo cáo thời sự

    Tham dự buổi Báo cáo có PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; PGS, TS. Phạm Tất Thắng - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; Lãnh đạo các đơn vị, cùng toàn thể viên chức, người lao động và học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung từ K73.A12 đến K73.A18 tại Học viện Chính trị khu vực II.

    Đại tá Nguyễn Nhứt - Báo cáo viên Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc phòng - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tại buổi Báo cáo thời sự

    Trong khuôn khổ buổi báo cáo thời sự, Đại tá Nguyễn Nhứt đã tập trung tuyên truyền, trao đổi nhằm Kỷ niệm 44 năm Ngày chiến thắng Chiến tranh biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2023), bao gồm các nội dung cơ bản sau: (i) Khái quát về đất nước Campuchia; (ii) Bối cảnh diễn ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; (iii) Diễn biến của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam gồm 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 - Ngăn chặn hoạt động gây hấn của Khmer Đỏ, giữ vững các địa bàn chiến lược (từ năm 1975 đến năm 1978); Giai đoạn 2 - Chiến dịch tổng phản công chiến lược (từ ngày 13/12/1978 đến ngày 07/01/1979); Giai đoạn 3 - Xây dựng và củng cố chính quyền mới (từ ngày 07/01/1979 đến ngày 26/9/1989); (iv) Kết quả, nguyên nhân, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; (v) Tình hình đất nước Campuchia trong thời gian gần đây; (vi) Dự báo và định hướng tuyên truyền. Từ các nội dung trên, có thể khẳng định: cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng và bảo vệ chủ quyền dân tộc của Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, mãi mãi là biểu tượng cao cả của tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia anh em; Vạch trần bản chất và tội ác của chế độ diệt chủng Pôl Pốt - Iêng Xary đối với nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam; Khẳng định sức mạnh và giá trị trường tồn của truyền thống, tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống quan hệ đoàn kết hữu nghị trong lịch sử giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia và tương lai tốt đẹp của mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa Đảng và Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia; Nêu cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của thế lực thù địch nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh quan hệ Việt Nam - Campuchia, hạ thấp và làm giảm ý nghĩa nhiệm vụ quốc tế của Quân tình nguyện Việt Nam; Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống.

    Buổi báo cáo thời sự kết thúc sáng cùng ngày./.

     

    Tin: Kim Ngân, Ảnh: Lê Hằng

    • Năm phát hành
    • Đang truy cập:1
    • Hôm nay: 0
    • Tháng hiện tại: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1