Tọa đàm khoa học: “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái đối với Triết học Mác - Lênin”

    17/06/2022 10:16 PM


    Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/HVCTKVII ngày 01/3/2021 của Học viện Chính trị khu vực II về “Triển khai tổ chức các hoạt động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, sáng ngày 17/6/2022, Khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Tọa đàm khoa học: “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái đối với Triết học Mác - Lênin”.

    Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Học viện Chính trị khu vực II và trực tuyến trên phần mềm MS Teams. Tham dự Tọa đàm có PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; cùng các giảng viên Khoa Triết học và chuyên gia của Khoa Lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học An ninh nhân dân. TS. Thân Ngọc Anh - Trưởng khoa Triết học chủ trì Tọa đàm.

    PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu tại Tọa đàm

    Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh đã khẳng định, Triết học Mác - Lênin có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chính vì vậy, cần lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW vào giảng dạy 10 chuyên đề môn Triết học Mác - Lênin và đánh giá kết quả học tập của học viên trong các đề thi. Bên cạnh đó, tăng cường nêu các tình huống trong thực tiễn và vận dụng kiến thức lý luận của giảng viên, học viên để tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

    PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh cũng nhấn mạnh, giảng viên lý luận chính trị chính là những người nghiên cứu, chế tạo ra “vaccine” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những nội dung lồng ghép trong các bài giảng, chuyên đề sẽ giúp học viên ngày càng  tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, với thế mạnh của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Chính trị khu vực II là nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị,  mỗi giảng viên, nghiên cứu viên cần thực hiện tốt nhiệm vụ viết bài, lan tỏa những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin  để đội ngũ an ninh mạng có thêm tài liệu đấu tranh trực tiếp trên không gian mạng - một mặt trận quan trọng trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay.

    Báo cáo đề dẫn Tọa đàm, TS. Thân Ngọc Anh khẳng định: Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và hệ thống chính trị. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng là nguồn gốc dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

    Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục bị các thế lực thù địch, phản động thực hiện những âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam, nhằm tác động, chuyển hóa, gây rối loạn về chính trị, tư tưởng, văn hóa của xã hội, xóa bỏ vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

    Trong những năm qua, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có Triết học Mác - Lênin đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Những kết quả chung đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói chung, giảng viên của môn Triết học Mác - Lênin nói riêng.

    Tuy nhiên, những bất ổn của tình hình thế giới như chiến tranh, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, truyền thông số đặt ra những vấn đề cấp bách, đòi hỏi cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin của các thế lực thù địch phải có sự đổi mới cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới yêu cầu: bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.

    Tại buổi Tọa đàm, các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi đã tập trung vào các nội dung sau: khẳng định giá trị của Triết học Mác - Lênin; quán triệt tinh thần của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin trong bảo vệ quan điểm của Triết học Mác - Lênin; bảo vệ tính đảng của Triết học Mác - Lênin; nhận diện một số âm mưu, thủ đoạn và tư tưởng xuyên tạc Triết học Mác - Lênin của các các thế lực thù địch; những kinh nghiệm, giải pháp vận dụng, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc Triết học Mác – Lênin và một số vấn đề khác có liên quan.

    Phát biểu kết thúc Tọa đàm, TS. Thân Ngọc Anh nhấn mạnh, với tinh thần làm việc tâm huyết, trách nhiệm, Tọa đàm đã đạt được kết quả như mong đợi. Tọa đàm đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái đối với Triết học Mác - Lênin. Từ đó, góp phần vận dụng Triết học Mác - Lênin vào công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

    Một số hình ảnh đại biểu trình bày tham luận:

    Tọa đàm kết thúc sáng cùng ngày.

    Tin: Minh Xuân; ảnh: Đức Anh

    • Năm phát hành
    • Đang truy cập:1
    • Hôm nay: 0
    • Tháng hiện tại: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1