Tọa đàm khoa học: “Vận dụng Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII vào giảng dạy môn Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

    17/06/2022 09:55 PM


    Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và Kế hoạch số 01-KH/HVCTKVII ngày 01/3/2021 của Học viện Chính trị khu vực II về “Triển khai tổ chức các hoạt động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới của Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị khu vực II năm 2021”, sáng ngày 17/6/2022, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề: “Vận dụng Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII vào giảng dạy môn Nhà nước và Pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

    Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Học viện Chính trị khu vực II và trực tuyến trên phần mềm MS Teams. Tham dự Tọa đàm, có TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; thành viên Ban Chỉ đạo 35, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên khoa Nhà nước và Pháp luật và chuyên gia, giảng viên của Đại học Quốc tế Sài Gòn và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm - Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, TS. Nguyễn Đình Phúc - Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì Tọa đàm.

    Toàn cảnh Tọa đàm

    Phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm khẳng định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là vấn đề có tính quy luật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong tình hình mới, mà còn xuất phát từ thái độ của kẻ thù, chúng quyết liệt chống phá, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Với nhận thức đó, từ ngày thành lập, Đảng khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Đến năm 1991, Đảng ta bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

    Hơn 92 năm qua, Đảng luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Nhờ đó, Đảng đã đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác to lớn hơn, đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa vị thế của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế. Đồng chí cũng nhấn mạnh, các thế lực thù địch của cách mạng Việt Nam luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới giành được. Đặc biệt, chúng dùng mọi thủ đoạn, vừa trắng trợn tinh vi, vừa thâm độc xảo quyệt để xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, hạ thấp tư tưởng, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng lợi dụng những thiếu sót của Đảng ta trong thực tiễn, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng như các vụ việc phức tạp xảy ra trong nước để cho rằng Việt Nam nên phải thay chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hệ tư tưởng dân chủ tư sản cho “phù hợp với xu thế phát triển”…

    Học viện Chính trị khu vực II là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ và một số địa phương theo phân công của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý. Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, các khoa chuyên môn tích cực lồng ghép nội dung này vào trong từng bài giảng, từng môn học, góp phần nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Môn Nhà nước và pháp luật Việt Nam là một môn học bắt buộc trong chương trình cao cấp lý luận chính trị, bao gồm những nội dung quan trọng về nhà nước và pháp luật nói chung, về nhà nước và pháp luật Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên đã giới thiệu các nội dung từ khái quát đến chi tiết, nhấn mạnh và làm rõ những đặc thù của Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả của quá trình vận hành bộ máy nhà nước, trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu tại Tọa đàm

    Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai đã nhấn mạnh, cần lồng ghép các nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW vào thực tiễn hoạt động giảng dạy như trong xây dựng pháp luật, nhà nước pháp quyền, quyền con người… Điều này có ý nghĩa đăc biệt quan trọng hiện nay, đồng thời góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu của các thế lực phản động, thù địch. Đồng thời, cần khắc phục xu hướng thực hiện lồng ghép nửa vời, không sát với thực tiễn hoặc chỉ nhìn thấy những hạn chế mà bỏ qua những thành tựu, kết quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong thời gian qua. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và nghiên cứu môn học Nhà nước và pháp luật Việt Nam tại Học viện Chính trị khu vực II.

    Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào 03 nội dung: (1) Vận dụng Nghị quyết số 35-NQ/TW vào giảng dạy các nội dung về xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Vận dụng Nghị quyết số 35-NQ/TW vào giảng dạy các nội dung về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (3) Vận dụng Nghị quyết số 35-NQ/TW vào giảng dạy các nội dung về nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả của đội ngũ cán bộ công chức, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

    Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm nhấn mạnh, Tọa đàm đã khẳng định tầm quan trọng của lý luận về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vấn đề lý luận cần được giải quyết mang tính hệ thống, tường minh để làm điểm tựa vững chắc giải quyết các vấn đề thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Học viện Chính trị khu vực II, đội ngũ giảng viên chính là lực lượng chủ lực, đi đầu, tiên phong trong việc truyền bá một cách hiệu quả, nhất quán, đồng bộ mục tiêu, quan điểm cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, định hướng xây dựng kế hoạch trước mắt, lâu dài, với lộ trình ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và những trường hợp đột xuất phù hợp với tình hình thực tiễn một cách linh động, khoa học, sát hợp về nhà nước và pháp luật. Đồng chí cũng khẳng định Khoa Nhà nước và Pháp luật sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin tích cực; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm…

    Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:

    Tọa đàm kết thúc sáng cùng ngày.

    Tin: Minh Xuân, ảnh: Đức Anh, Bích Cần

    • Năm phát hành
    • Đang truy cập:1
    • Hôm nay: 0
    • Tháng hiện tại: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1