Học viện Chính trị khu vực II phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

    21/01/2022 08:05 AM


    Nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, đồng thời tăng cường sự hiểu biết về quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ cũng như văn hóa Ấn Độ, chiều ngày 20/01/2022, Học viện Chính trị khu vực II phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Trao đổi thông tin về 50 năm quan hệ ngoại giao và giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ. Chương trình diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

    Tham dự trực tiếp tại Học viện Chính trị khu vực II, về phía đoàn đại biểu của Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, có sự tham dự của Dr. Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các thành viên và nghệ sĩ. Về phía Học viện Chính trị khu vực II, có sự tham dự của PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên; cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung từ K72. A141 - K72. A162. Tại điểm cầu đại biểu khách mời tham dự trực tuyến, có sự tham gia của ông R.O.Sunil Babu - Lãnh sự/Chánh Văn phòng, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Manoj Barthwal - Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM); ông Ramesh Anand - Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam; GS. Prabir De - Giáo sư & Điều phối viên Trung tâm ASEAN - Ấn Độ (AIC), Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển (RIS), Trung tâm Môi trường sống Ấn Độ (IHC); GS. Suchandra Ghosh - Khoa Lịch sử, Đại học Hyderabad và đại biểu đến từ Học viện Chính trị khu vực IV.

     

    Toàn cảnh Lễ dâng hoa

    Trước khi diễn ra Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa, Ban Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị khu vực II cùng đoàn đại biểu của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự Lễ Dâng hoa tượng Bác tại Quảng trường Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Học viện Chính trị khu vực II.

    PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu chào mừng và khai mạc Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa

    Phát biểu chào mừng và khai mạc Chương trình, PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng đã khẳng định, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển. Có thể nói, quan hệ giữa hai nước có lịch sử hàng nghìn năm gắn với sự du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ vào Việt Nam. Những năm 50 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị sâu sắc, bền chặt qua những chuyến thăm, tiếp xúc vượt qua cả nghi lễ ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cho Thủ tướng Jawaharlal Nehru: “Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt/Không lời mà vẫn cảm thông nhau”. Thủ tướng Nehru là chính khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam vào tháng 10/1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tháng 02/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức và để lại ấn tượng đặc biệt đối với nhân dân Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ là những người bạn truyền thống, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc anh hùng của nhân dân Việt Nam.

    PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng ghi nhận và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ tích cực của Ấn Độ trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước Việt Nam sau này. Ngày 07/01/1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Ấn Độ và Việt Nam tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ bất chấp sức ép của các thế lực thù địch. Năm 2007, hai bên tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược”. Đặc biệt, tháng 9/2016, quan hệ song phương được nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, đã phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Đây chính là những dấu son quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển bền vững và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ chính trị tốt đẹp được thúc đẩy bằng mối quan hệ tăng cường trong thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng... Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam trong bối cảnh mới của chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ.

    PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đó, nhân dân hai nước sẽ tiếp tục tạo ra những chất men gắn kết hai dân tộc, hai đất nước. Những hoạt động giao lưu không ngừng phát triển, góp phần thiết thực như chiếc cầu nối vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

    TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II trình bày tham luận tại Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa

     

    Trình bày tham luận tại Chương trình trao đổi thông tin, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai đã ôn lại các dấu mốc quan trọng về những thành quả hợp tác trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Khởi nguồn từ mối liên hệ và giao lưu trong lịch sử về văn hóa, tôn giáo, thương mại; ở thời kỳ hiện đại, mối quan hệ giữa hai dân tộc được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của Việt Nam - Ấn Độ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J.Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, nhân dân hai nước dày công vun đắp, phát triển. Đến nay, Việt Nam - Ấn Độ đã trải qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; 19 năm quan hệ đối tác toàn diện (2003 - 2022); 15 năm quan hệ đối tác chiến lược (2007 - 2022); 5 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (9/2016 - 9/2021). Năm mươi năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào ở các măt: chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh, văn hóa.

    Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vừa qua là một minh chứng rõ nét cho tình nghĩa thủy chung, hoạn nạn có nhau của hai nước. Thời điểm Ấn Độ phải đối mặt với hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nỗ lực giúp đỡ, hỗ trợ tích cực cho nước bạn. Và khi Việt Nam gặp khó khăn, Ấn Độ đã ngay lập tức hỗ trợ ôxy và các trang thiết bị máy móc đến Việt Nam để kịp thời cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, giảm thiểu các trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ còn mở rộng và hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành ưu tiên mà hai bên có thế mạnh, như nông nghiệp, y tế, thông tin - truyền thông, hợp tác địa phương…; qua đó góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

    TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ đã ghi nhận sự chia sẻ và hợp tác tích cực giữa hai nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Chính phủ hai nước chủ trương cùng phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Trong thập kỷ vừa qua, đặc biệt trong năm 2021, Việt Nam - Ấn Độ đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ lợi ích chung của hai nước và những giá trị chung của nhân loại. Sự đoàn kết đó tạo ra sự cộng hưởng về sức mạnh để bảo vệ các giá trị cốt lõi của hệ thống quốc tế đương đại. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại cũng như khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục giữa hai nước vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác to lớn của hai nước, và đây cũng là điều mà cả hai quốc gia mong muốn trong thời gian tới sẽ sớm được khắc phục.

    TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai đã nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Sự khẳng định này vẫn còn nguyên giá trị, được các thế hệ lãnh đạo hai nước coi như một câu châm ngôn khi nói đến tình cảm keo sơn, ngày càng phát triển giữa hai dân tộc. Đồng chí cũng nhấn mạnh, điểm tựa để tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ Việt – Ấn trong tương lai là việc cả hai quốc gia đều rất coi trọng giá trị, vị trí của nhau trong chiến lược phát triển của mình.

    GS. Prabir De - Giáo sư & Điều phối viên Trung tâm ASEAN-Ấn Độ (AIC); Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển (RIS); Trung tâm Môi trường sống Ấn Độ (IHC) báo cáo tại Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa

    GS. Suchandra Ghosh - Khoa Lịch sử, Đại học Hyderabad báo cáo tại Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa

    Dr. Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa

    Tại Chương trình trao thông tin và giao lưu văn hóa, các tham luận cùng ý kiến trao đổi đã tập trung về chính sách ngoại giao của Ấn Độ và vị trí, vai trò quan trong của Việt Nam đối với chính sách đo, mối quan hệ về thương mại, văn hóa, chính trị, an ninh quốc phòng, ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lịch sử, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, như: “Chính sách ngoại giao Hành động hướng Đông của Ấn Độ” của GS. Prabir De - Giáo sư & Điều phối viên Trung tâm ASEAN - Ấn Độ (AIC); Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển (RIS); Trung tâm Môi trường sống Ấn Độ; “Mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ thời kỳ đầu” của GS. Suchandra Ghosh - Khoa Lịch sử, Đại học Hyderabad; “Tăng cường mối quan hệ giữa Ấn Độ - Việt Nam thông qua các liên kết học thuật, văn hóa và thương mại” của Dr. Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh…

    PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu kết thúc Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa

    Phát biểu kết thúc Chương trình trao thông tin và giao lưu văn hóa, PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh một lần nữa đã khẳng định, 50 năm là một chặng đường đồng hành rất đáng nhớ khi cả Ấn Độ và Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi công cuộc xây dựng đất nước và chuyển đổi kinh tế - xã hội. Đó là mốc son chói lọi, in dấu ấn thành quả của hàng nghìn năm giao lưu văn hóa, tư tưởng của văn minh Ấn Độ với văn minh Việt Nam. Đồng chí cũng tin tưởng rằng, tình hình thế giới dù có nhiều đổi thay, biến động nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn mãi thủy chung, trong sáng, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển sâu đậm và phong phú hơn.

    Một số hoạt động diễn ra tại Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa:

    Chương trình trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa kết thúc chiều cùng ngày./.

    Tin: Minh Xuân; ảnh: Đức Anh

    • Năm phát hành
    • Đang truy cập:1
    • Hôm nay: 0
    • Tháng hiện tại: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1