Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời, có sự hiện diện của PGS, TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Về phía Học viện Chính trị khu vực II, có sự tham dự của PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện; TS. Lê Thị Anh Đào - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; đại diện Lãnh đạo các đơn vị; cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức và người lao động của Học viện.
Chủ trì Hội thảo gồm có: TS. Lê Thị Anh Đào; PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm; PGS, TS. Võ Hữu Phước; TS. Nguyễn Đình Phong.
TS. Lê Thị Anh Đào - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Lê Thị Anh Đào khẳng định, vấn đề phân cấp, phân quyền ở nước ta được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản luật liên quan. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định quan điểm, mục tiêu, trong đó khẳng định: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của từng địa phương và tổ chức điều phối vùng. Thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
TS. Lê Thị Anh Đào nhấn mạnh, Hội thảo nhằm khẳng định và làm rõ tầm quan trọng của thể chế, chính sách đối với sự phát triển của nước ta nói chung, vùng Đông Nam Bộ nói riêng; đánh giá thực trạng thể chế, chính sách phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với chính quyền các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm nhấn mạnh, phân quyền, phân cấp là những biện pháp phân định và chuyển giao thẩm quyền cần được áp dụng để bảo đảm hoạt động quản lý, điều hành. Để phát huy hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, phù hợp, cần làm rõ phân cấp, phân quyền. Đồng thời, sử dụng phân cấp phân quyền cần được xem xét dưới góc độ chính trị, pháp lý và thực tiễn ở Việt Nam. Để Hội thảo đạt được hiệu quả, PGS, TS. Lưu Ngọc Tố Tâm mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận ở ba vấn đề chính: Một là, làm rõ về các vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến phân cấp, phân quyền nói chung, tiếp cận dưới các góc độ chính trị, pháp lý, khoa học cũng như thực tiễn. Hai là, thực trạng phân cấp, phân quyền tại vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là phân cấp, phân quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, qua đó chỉ ra những ưu điểm và hạn chế cần được khắc phục. Ba là, từ lý luận và thực tiễn phân cấp, phân quyền tại vùng Đông Nam Bộ cần tập trung đưa ra các dự báo, những cơ hội, thách thức đối với phân cấp, phân quyền tại vùng Đông Nam Bộ; đưa ra định hướng, đề xuất các giải pháp, kiến nghị phân cấp, phân quyền tại vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến trình bày đã tập trung làm rõ các nội dung cơ bản: (i) Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với việc thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; (ii) Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và chính quyền các tỉnh Đông Nam Bộ hiện nay; (iii) Thể chế phân cấp, phân quyền - một góc nhìn thực tiễn từ Thành phố Hồ Chí Minh; (iv) Phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội tại Thành phố Hồ Chí Minh; (v) Thể chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa Trung ương với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh; (vi) Định hướng hoàn thiện pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ; (vii) Hoàn thiện thể chế, chính sách phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PGS, TS. Võ Hữu Phước - Trưởng Khoa Lãnh đạo học và Chính sách công phát biểu kết luận tại Hội thảo
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS, TS. Võ Hữu Phước khẳng định, Hội thảo đã làm việc nghiêm túc, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao. Các nhà khoa học đã có nhìn nhận, trao đổi và đánh giá nội dung của hội thảo theo những cách nhìn, quan điểm khác nhau tạo nên sự đa dạng, nhiều chiều trong cách tiếp cận chủ đề hội thảo. Hội thảo đã đạt được một số kết quả, cụ thể: Thứ nhất, Hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận về phân cấp, phân quyền nói chung, tiếp cận dưới góc độ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Thứ hai, Hội thảo đã đánh giá thực trạng phân cấp, phân quyền giữa trung ương và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Thứ ba, nhiều tham luận và ý kiến tại hội thảo đã có những dự báo, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thể chế, chính sách phân cấp, phân quyền trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Hội thảo kết thúc chiều cùng ngày./.