1. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ tri thức người Việt Nam ở nước ngoài

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất đông đảo, có trình độ cao, nhiều người là chuyên gia, nhà khoa học có uy tín của các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn. Tập hợp và phát huy được trí tuệ của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp phần quan trọng xây dựng và phát triển đất nước thành công.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tháng 02/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng đã xác định tập hợp tầng lớp trí thức, xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước. Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng, những tư tưởng về tập hợp trí thức đã được nêu ra từ Chính cương vắt tắt đã được tiếp nối. Mặt trận Việt Minh với chủ trương quy tụ tất cả các giới đồng bào, trong đó có đội ngũ trí thức. Năm 1943, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập, tập hợp đông đảo trí thức văn nghệ sỹ. Ngày 30/6/1944, Đảng Dân chủ Việt Nam, tổ chức quy tụ những thành phần trí thức được thành lập.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thể hiện rõ nét nhất tư tưởng đại đoàn kết của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong cuộc cách mạng vĩ đại này đã có mặt tất cả mọi tầng lớp nhân dân, nhiều người trong số đó là các trí thức tiêu biểu. Sau Cách mạng tháng Tám, trong chính phủ của nền dân chủ cộng hòa có nhiều trí thức uy tín tham gia. Ngày 22/7/1946, Đảng Xã hội Việt Nam ra đời và từ đây chính đảng này cùng với Đảng Dân chủ trở thành nơi thu hút đội ngũ trí thức. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đội ngũ trí thức đã có nhiều hoạt động ủng hộ đất nước, dân tộc. Chỉ riêng cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã có hơn 6.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến trong lực lượng vũ trang tại mặt trận Lào (NĂM?). Tại Pháp, đồng bào đã tích cực tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau, vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Nhiều trí thức tên tuổi, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về giúp đất nước như: Võ Quý Huân, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo,.. Tháng 11/1959, Ban Việt kiều Trung ương đã được thành lập (tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay); ngày 10/01/1960, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tận cảng Hải Phòng để trực tiếp đón chuyến tàu đầu tiên đưa những người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước.

Dấu mốc đánh dấu nhận thức của Đảng về vấn đề này là sự ra đời của Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị Về công tác đối với người việt nam ở nước ngoài. Sau 11 năm thực hiện Nghị quyết, ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Điểm chung trong các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị đều khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã khẳng định các hình thức thích hợp tổ chức thu thập ý kiến của đồng bào ở nước ngoài trước khi ban hành các văn bản pháp quy, chính sách có liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài. Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước… Nếu Nghị quyết số 36-NQ/TW mới chỉ đề cập đến việc thu thập ý kiến của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trước khi ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan đến đồng bào thì đến Kết luận số 45-KL/TW, Đảng đã khẳng định hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất - kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Đặc biệt, “có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”([i]). Tinh thần này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”([ii]). Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”([iii]).

Như vậy, có thể khẳng định, những chủ trương, quan điểm của Đảng về thu hút, tập hợp trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là khá toàn diện.

2. Tiềm năng và những đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài

Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài”([iv]). Như vậy, với nghị quyết này, Đảng Cộng sản Việt Nam xem trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận của trí thức Việt Nam.

Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển; đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Hiện nay, trong tổng số khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, “có khoảng 600.000 chuyên gia, trí thức có trình độ đại học trở lên; khoảng 50% sống tại Hoa Kỳ, 80% ở những nước phát triển, có nền khoa học, công nghệ tiên tiến hàng đầu như châu Âu, Nhật Bản, Úc...”([v]). Người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng có quê quán ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử để lại, số này tập trung nhiều hơn ở các tỉnh phía Nam, đông đảo nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh “có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 nghìn tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu”([vi]). Như vậy có thể thấy, tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn. Tiềm năng này không chỉ ở số lượng đông đảo, số lượng kiều hối gửi về hằng năm, mà chính là chất xám của số lượng lớn trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ như hiện nay, việc trí thức Việt Nam ở nước ngoài không nhất thiết phải trở về Việt Nam sinh sống và làm việc mới có thể đóng góp cho đất nước, mà họ có thể từ nước ngoài đóng góp cho đất nước thông qua các ý kiến tư vấn, góp ý, cuộc họp, hội thảo khoa học, hội chẩn trong điều trị..,

Như vậy, nguồn lực của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng, nhất là đối với đất nước trong bối cảnh hiện nay. Những năm qua, nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã có đóng góp xứng đáng, thiết thực đối với sự phát triển của đất nước. Chẳng hạn, Giáo sư Trần Thanh Vân (Pháp) suốt nhiều năm không chỉ đóng góp cho giáo dục, mà ông còn tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và học giỏi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, những năm qua, mỗi năm bình quân có khoảng “300 lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học-công nghệ, giáo dục - đào tạo, phần lớn theo hình thức công tác ngắn ngày, chủ yếu là dự hội nghị, hội thảo, giảng dạy, triển khai các dự án hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực”([vii]). Những năm gần đây, nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước tham gia giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu… Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới đã xuất hiện là vừa trí thức, vừa doanh nhân để nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, quản lí doanh nghiệp có tiềm năng, nắm chắc thông tin và quan hệ chặt chẽ với thị trường thế giới. Một số trường đại học đã làm tốt việc thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài về tham gia giảng dạy, như Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều nhà khoa học như TS. Nguyễn Đình Uyên - kiều bào Mỹ (ngành Viễn thông), GS, TS. Võ Văn Tới - kiều bào Mỹ (ngành Hàng không); Trường Đại học Hoa Sen thu hút GS. Trương Nguyện Thành - kiều bào Mỹ; Trường Đại học Tôn Đức Thắng thu hút GS. Nguyễn Đăng Hưng; Trung tâm Hội nghị quốc tế Quy Nhơn của GS. Trần Thanh Vân; Viện nghiên cứu cao cấp về toán do GS. Ngô Bảo Châu làm Viện trưởng…

Giai đoạn 2015-2017 được xem là thời kỳ sôi động khi có nhiều chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia, đạc biệt là Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Nhóm Sáng kiến Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó hơn 30 người là các chuyên gia kinh tế, tài chính, luật, hành chính công đang làm việc tại các trường đại học của Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản… Hằng năm, các Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài cũng thu hút nhiều trí thức, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội tham gia. Năm 2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam tại San Francisco và New York, Mỹ, thu hút sự tham dự của gần 150 đại biểu bao gồm các cơ quan chức năng và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, đại diện một số quỹ đầu tư, vườn ươm khởi nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp của Hoa Kỳ và các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công của người Việt Nam tại Hoa Kỳ…

Ở những nước có đông người Việt Nam sinh sống, học tập đã hình thành những câu lạc bộ tri thức và gắn bó chặt chẽ với trong nước. Chẳng hạn, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có trụ sở tại Pháp, quy tụ trên 200 thành viên. Hay Nhóm Sáng kiến Việt Nam ở Mỹ, các mạng lưới diễn đàn tri thức khoa học, công nghệ của người Việt Nam tại Nhật Bản, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Ba Lan, Mỹ...”([viii]). Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1120/QĐ-TTg về thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong số 14 thành viên có 04 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được mời tham gia, đó là: PGS, TS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; GS, TS. Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp; PGS, TS. Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore; TS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, tháng 9/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu năm 2021. Chương trình đã thu hút hơn 50 chuyên gia kiều bào đăng ký tham gia với tư cách là cố vấn, 62 đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam đăng ký tham gia với tư cách là người tiếp nhận cố vấn([ix]). Trong 02 năm 2020-2021, khi thế giới, nhất là Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều trí thức đã đóng góp thiết thực thông qua các hoạt động ủng hộ, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật: “Nhiều kiều bào đã tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ phòng, chống dịch. Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động nước sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam”([x]).

Nhiều năm qua, những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là của đội ngũ chuyên gia, trí thức là rất lớn, song nhìn một cách tổng thể những đóng góp này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là của đội ngũ trí thức. Hiện nay, số trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tập trung đông nhất là ở các nước, như Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Nga, Đông Âu. Số lượng các chuyên gia, trí thức người Việt Nam tại các nước châu Á và các nước đang phát triển tuy có ít hơn song đang có xu hướng gia tăng, nhất là những năm gần đây khi có một số người Việt Nam sang các nước ở khu vực này, như Nhật Bản, Singapre, Hàn Quốc… học tập và đã ở lại nước sở tại. Các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên do những đặc thù lịch sử nên những trí thức người Việt Nam có chuyên môn cao trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nhất là nghiên cứu cơ bản, khoa học ứng dụng chiếm tỷ lệ cao. Đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài nhiều người có chuyên môn cao trên các lĩnh vực mà đất nước đang rất cần, như Khoa học máy tính, công nghệ điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học, kinh tế… Trong số những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người không những đã đạt được học vị cao, mà còn là chuyên gia uy tín ở các nước sở tại, như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn (Mỹ), Trịnh Xuân Thuận (Pháp), Trần Thanh Vân (Pháp), Vũ Minh Khương (Singapore), Trần Văn Thọ (Nhật Bản), Nguyễn Đức Khương (Pháp), Đàm Thanh Sơn (Mỹ)… Một số trí thức gốc Việt đã trở thành chính trị gia, tướng lĩnh có ảnh hưởng trong cộng đồng, với chính quyền sở tại.

Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã đánh giá: “Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố”([xi]). Có thể khẳng định, đa số trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vẫn mang trong mình tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. Đội ngũ trí thức ở nước ngoài dù bối cảnh ra đi có thể khác nhau, chính kiến khác nhau song họ gặp nhau ở điểm chung là đều mong muốn đất nước phát triển. Nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang cố gắng giữ gìn tiếng Việt trong giao tiếp, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy, số trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoặc về nước công tác còn khiêm tốn. Thực tế đội ngũ trí thức, trong đó có nhiều trí thức thuộc các ngành, nghề mà Việt Nam có nhu cầu lớn hiện rất đông đảo, thế nhưng mỗi năm số về nước làm việc không nhiều. Khi nói đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người có thể nghĩ ngay tới số kiều hối lớn mà đồng bào chuyển về trong nước, thế nhưng có lẽ tài sản quý giá nhất chính là trí tuệ của đội ngũ này.

3. Giải pháp đề xuất nhằm tập hợp đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước

Để tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, cần đặt vấn đề đại đoàn kết dân tộc cao hơn tất cả. Do những điều kiện lịch sử khác nhau, nên đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng dị biệt về chính trị. Đối với đội ngũ trí thức lớp người già, những người đi học, nghiên cứu ở nước ngoài từ trước năm 1975 ở các nước, nhất là ở phương Tây, Nhật Bản, sau đó ở lại sinh sống và công tác sẽ có sợi dây bền chặt trong tâm thức với Tổ quốc. Đối với những người ra đi sau năm 1975 ở miền Nam thì tâm trạng có nhiều suy tư hơn và có cả những vấn đề chưa hẳn đã đồng thuận với quan điểm, chủ trương của Đảng hiện nay. Đối với những người đi học ở Liên Xô, Đông Âu rồi sau đó ở lại có lẽ ít có khúc mắc hơn. Những người trẻ đi học, thành tài ở lại nước ngoài công tác sau khi đất nước đổi mới có lẽ là đội ngũ dễ hiểu và cảm thông hơn với đất nước nên có liên hệ bền chặt hơn vì vẫn còn những mối liên hệ bền chặt với gia đình, người thân trong nước. Như vậy, có thể thấy, các xu hướng về chính trị trong đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hiện rất đa dạng. Để tập hợp, phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ đổi mới những quan điểm, chính sách mà cần phải lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thông suốt tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” đã và đang diễn ra những năm qua. Trong khi Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chính sách rất cởi mở, thông thoáng thì vẫn có những ngành, địa phương và cá nhân có trách nhiệm của hệ thống chính trị vẫn hiểu, làm ngược với những chủ trương tốt đẹp này. Do đặc điểm trí thức có nhu cầu “được tôn trọng”, nhất là nhu cầu “tự khẳng định”, “tự tỏa sáng”, “phản biện” rất lớn; thường “có tài hay có tật” nên đòi hỏi lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, ban ngành các cấp cần có tấm lòng: chân thật, nhân hậu và độ lượng đối với trí thức nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Hai là, cần ban hành và thực thi tốt hơn các chủ trương, chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đội ngũ trí thức đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ sáng ngày 30/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, tăng cường thu hút sự tham gia sâu của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước. “Hiện chúng ta có khoảng 300.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, là cầu nối giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới nếu biết cách huy động”([xii]). Đổi mới theo hướng thông thoáng hơn nữa các chính sách về thường trú, quốc tịch, nhà ở… đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để hạn chế tối đa việc gây khó khăn, phiền hà cho đội ngũ trí thức khi về Việt Nam làm việc và cộng tác.

Ba là, cần chi nguồn lực cần thiết nhằm xây dựng các trung tâm văn hóa, ngôn ngữ ở nước ngoài, nơi có đông người Việt Nam sinh sống. Bởi vì, giá trị văn hóa cốt lõi Việt Nam ở ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc là sợi dây vững bền để kết nối người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng đối với Tổ quốc.

Bốn là, thông tin hai chiều nhanh chóng về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người Việt Nam ở nước ngoài. Khi xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình đất nước, các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải lên tiếng và kịp thời đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng nhanh chóng đến đồng bào. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ quá nhiều những mảng tối, một trong số đó là việc trục lợi từ các chuyến bay “giải cứu”. Một câu hỏi đặt ra là trước những việc hạch sách, gây khó dễ, ăn chặn ấy bà con người Việt Nam ở nước ngoài đã có những ý kiến phản hồi ra sao, phản hồi ở đâu, khi nào và ai đã đứng ra giải quyết. Trí thức chân chính thường là những người luôn đề cao sự công bằng xã hội, đề cao công chính, liêm chính. Vì vậy, để xảy ra việc trục lợi các chuyến bay “giải cứu” trong đại dịch COVID -19 vừa qua thật sự đã làm giảm niềm tin của trong đội ngũ này đối với đất nước. Người Việt Nam có câu “trăm hay không bằng một thấy”. Từ vấn đề này, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần nhanh chóng rà soát lại tất cả vấn đề này sẽ chỉ còn là những kỷ niệm bị chôn vùi.

Năm là, Nghị quyết số 36-NQ/TW khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”([xiii]). Như vậy, một việc cần làm ngay là xây dựng và thực thi những cơ chế, chính sách, pháp luật bình đẳng, không phân biệt giữa trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với trí thức trong nước. Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách để các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước kết nối thường xuyên với các trí thức lớn người Việt ở nước ngoài để hằng năm đội ngũ này có khoảng thời gian về nước làm việc hoặc dành thời gian đóng góp trí tuệ cho đất nước. Về lâu dài, Nhà nước nên tính đến chương trình dài hơi là mời các trí thức người Việt Nam có tên tuổi ở nước ngoài tham gia lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu và tham gia bộ máy lãnh đạo trong các cơ quan của hệ thống chính trị, nhất là tham vấn đội ngũ này về các vấn đề chính trị.

4. Kết luận

Để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng cần có sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp xứng đáng cho nước sở tại nên việc mang nguồn lực, đặc biệt là trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của đất nước là rất cần thiết. Do đó, để tập hợp, phát huy, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước công tác, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay là vấn đề cần được nghiên cứu và bàn bạc thấu đáo, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 


([i]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

([ii]) và (3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.167 và 171-172

 

([iv]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

([v]) http://vjst.vn/vn/tin-tuc/5799/chuyen-gia--tri-thuc-kieu-bao-chung-tay-cung-doi-moi-sang-tao-quoc-gia.aspx

([vi]) https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/luon-tao-moi-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-kieu-bao-tro-ve-que-huong-618968.html

([vii])https://www.vietnamplus.vn/lam-the-nao-de-thu-hut-tri-thuc-o-nuoc-ngoai-ve-nuoc/422913.vnp

([viii]) https://tuoitre.vn/phat-huy-nguon-luc-viet-o-nuoc-ngoai-20211216080902609.htm

([ix]) http://vjst.vn/vn/tin-tuc/5799/chuyen-gia--tri-thuc-kieu-bao-chung-tay-cung-doi-moi-sang-tao-quoc-gia.aspx

([x]) https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-la-nguon-luc-quan-trong-cua-dat-nuoc-669122

([xi]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

([xii]) https://vietnamnet.vn/thu-tuong-viec-dau-tien-la-doi-moi-sang-tao-cach-trong-dung-con-nguoi-593505.html

([xiii]) https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/tri-thuc-viet-kieu--nguon-luc-quan-trong-cho-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-252142.html