1. Đặt vấn đề
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là mục đích, là bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”([1]) là đặc trưng cốt lõi, đồng thời là nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời gian qua đã chứng minh rằng đây là cách thức thực hiện quyền lực nhà nước mang tính tiến bộ, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần làm cho Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn thực nguyên tắc trên ở Việt Nam hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện trong bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.
2. Những kết quả đạt được trong thực hiện nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”
- Về bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân
Thứ nhất, khung pháp lý về bảo đảm quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân ngày càng hoàn thiện
Bảo đảm quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân là nguyên tắc cốt lõi trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo Hiến pháp năm 2013, ở Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, bởi vì tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, với mục tiêu chung là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước nên quyền lực nhà nước thống nhất ở nhân dân. Điều 6 Hiến pháp năm 2013 xác định rõ phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”([2]).
Thứ hai, thực tiễn thực hiện và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân ở Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng
Thực tiễn thực hiện và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân ở Việt Nam đến nay cho thấy, dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được tăng cường, phát huy và mở rộng. Tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện phát huy dân chủ, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”([3]).
Đánh giá về thực hiện việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực”([4]) và được xác lập rành mạch hơn. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước được xác định rõ hơn và có những bước tiến mới trong hoạt động, cụ thể:
Thứ nhất, về phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp
Hiến pháp năm 2013 xác định rõ vai trò, chức năng của các cơ quan nhà nước trong việc phân công thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thực tiễn bảo đảm thực hiện quy định phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam cho thấy, các cơ quan nhà nước, trong phạm vi quyền lực được phân công, đã thực hiện có hiệu quả quyền lực của mình, thể hiện:
Một là, về phân công thực hiện quyền lập pháp: Hiến pháp năm 2013 xác định hợp lý hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, giới hạn quyền lực của Quốc hội. Cơ cấu của Quốc hội đã được xác lập theo hướng tương xứng với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tăng cường tính chất chuyên nghiệp,... Tổ chức của Quốc hội đã có sự đổi mới quan trọng theo hướng nâng cao khả năng thực hiện vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, tăng cường thực quyền của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội trên một số lĩnh vực có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội thể hiện rõ hơn([5]).
Hai là, về phân công thực hiện quyền hành pháp: Thời gian qua, Chính phủ đã có sự đổi mới, cải cách mạnh mẽ trên nền tảng nguyên tắc kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân. Chính phủ chấp hành nghiêm sự giám sát của Quốc hội và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các cơ quan hành chính nhà nước đã thể hiện sự hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đánh giá kết quả việc phân công thực hiện quyền hành pháp, Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô; tháo gỡ các rào cản; phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá”([6]).
Ba là, về phân công thực hiện quyền tư pháp: Vị trí “trung tâm” của tòa án trong hệ thống tư pháp và hoạt động tư pháp được ngày càng được bảo đảm. Tính độc lập của tư pháp, nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử đã được nhận thức và thực hiện tương đối có hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan tư pháp đã được điều chỉnh theo hướng tinh gọn hơn, hợp lý hơn và bảo đảm khả năng thực thi quyền tư pháp. Tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên([7]).
Thứ hai, về phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp
Thực tiễn cho thấy đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ hơn giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ được tăng cường. Trong các phiên họp của Chính phủ, các đại diện của Quốc hội thường xuyên tham dự và đóng góp các ý kiến xác đáng đã giúp cho Chính phủ hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Về cơ bản, Chính phủ đã hoàn thành vai trò là cơ quan chấp hành của Quốc hội và đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo quy định của pháp luật. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, các cơ quan tư pháp nhằm bảo đảm sự chung sức, đồng lòng trong xây dựng và phát triển đất nước. Sự phối hợp giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân được thực hiện tốt và hiệu quả hơn.
Thứ ba, về kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp
Cơ chế kiểm soát quyền lực giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước đã được thể chế hóa cụ thể, rõ ràng hơn trong Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Quy định về Tổng kiểm toán nhà nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia và cơ chế bảo hiến trong Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện việc xác định rõ hơn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của các cơ quan nhà nước và của nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn. Theo đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 cũng xác định mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.
Việc tổ chức thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao uy tín lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, làm cho đất nước phát triển.
3. Một số vấn đề đặt ra
Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ một số quy định của Đảng về phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Các quy định hiện hành về kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước mặc dù đã tạo lập được cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước để làm cho bộ máy nhà nước hoạt động hướng đến hiệu lực, hiệu quả, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước hiện hành chưa thể hiện được đầy đủ nội dung “kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)([8]) và trong các Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung ở việc quy định chủ yếu, rõ ràng, cụ thể về kiểm soát quyền lực của Quốc hội đối với cơ quan nhà nước trong thực hiện hành pháp và quyền tư pháp, còn việc quy định vấn đề kiểm soát quyền lực ngược lại giữa các cơ quan này đối với Quốc hội còn khá mờ nhạt.
Một số văn bản của Đảng, như Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hoặc Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ,… được ban hành nhằm bảo đảm nguyên tắc “phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” được hiện thực hóa rõ ràng, hiệu quả, nhưng đến nay, những quy định trên chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ.
Thứ hai, quy định của pháp luật hiện hành về phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa rõ ràng, cụ thể.
Thứ ba, pháp luật về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục hoàn thiện, như công khai thông tin về ứng cử viên, tiếp xúc cử tri, cam kết về trách nhiệm của ứng cử viên với cử tri và trách nhiệm thực hiện những cam kết đã hứa với cử tri của ứng viên được lựa chọn,…
Thứ tư, pháp luật hiện hành quy định chưa rõ ràng, chặt chẽ về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, như: nội dung, thời điểm, cách thức thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước đối với nhân dân và đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trách nhiệm của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình,…
Thứ năm, pháp luật hiện hành chưa thể chế hóa kịp thời các quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền tự do, dân chủ như quyền lập hội, quyền biểu tình,…; chưa có quy định cụ thể về những vấn đề cần trưng cầu ý dân theo quy định tại Điều 6 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của nhân dân nhằm bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Thứ nhất, về bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân
Việc bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân còn có những hạn chế nhất định. “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”([9]); “Cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ”([10]).
Thứ hai, thời gian qua, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng và có chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như thực hiện nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhưng nhìn tổng thể, việc phân công chưa thật sự rành mạch, hợp lý; việc phối hợp còn thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng; kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan trong bộ máy nhà nước còn chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, thể hiện:
Một là, về phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp: Việc phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp vẫn còn chưa rõ ràng, chưa mang tính thuyết phục cao về phương diện khoa học; vẫn còn tình trạng có sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, lao động, đầu tư xây dựng, bảo hiểm y tế, xây dựng,...
Sự phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên thực tiễn còn có nơi, có lúc chưa phù hợp dẫn đến tình trạng thực hiện việc phối hợp giữa các cơ quan này chưa chăt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ vì không rõ trách nhiệm của cơ quan nào là cơ quan chủ trì, cơ quan nào là cơ quan phối hợp, thậm chí có nhiều trường hợp còn tạo khoảng trống trong quản lý nhà nước.
Hai là, về kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ: “Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế”([11]). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định: “Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện”([12]).
Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp còn một số hạn chế, như: Việc thực hiện quyền “giám sát tối cao” của Quốc hội chưa đáp ứng với bản chất vốn có của nó, vẫn còn mang tính dàn trải, chưa tập trung vào giám sát những vấn đề lớn được “đặt ra” của các cơ quan nhà nước; một số hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào báo cáo của cơ quan bị giám sát; nhiều báo cáo kết luận giám sát còn mang tính chung chung; chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; một số hoạt động giám sát còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương và Hội đồng nhân dân ở địa phương.
Các cơ quan có chức năng kiểm soát quyền lực nhà nước nhiều, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả nên vẫn còn hiện tượng lạm quyền dẫn đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra phổ biến, trở thành “vấn nạn” của quốc gia. Tình trạng kiểm soát của cơ quan có chức năng kiểm soát quyền lực nhà nước mang tính chiếu lệ, “đến hẹn lại lên”, “người trong nhà” vẫn còn, nên chưa thật sự bảo đảm tính khách quan trong nhận định và thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp trước khi bị áp dụng trách nhiệm pháp lý kỷ luật hay khởi tố bị can, các cơ quan có chức năng kiểm soát quyền lực đã không phát hiện có sai phạm mặc dù đã thực hiện kiểm toán, thanh tra và các hoạt động kiểm soát quyền lực khác nhiều lần, thậm chí trước đó còn được tuyên dương, khen thưởng.
Việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu đã được chú trọng triển khai, nhưng trên thực tế việc thực hiện những yêu cầu này trong nhiều trường hợp vẫn còn mang tính hình thức.
4. Kết luận
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Việt Nam thể hiện sự phát triển của quá trình từ tư duy, nhận thức đến thực tiễn xây dựng và phát triển nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ Hiến pháp năm 1959 đến nay. Mặc dù, việc thực hiện nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp còn có những hạn chế đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng có thể khẳng định rằng, đây là nguyên tắc quan trọng và phù hợp trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Để thực hiện nguyên tắc này có hiệu quả, cần đặc biệt thực hiện tốt việc “tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. “Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng””([13]); đồng thời, “hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền”([14]); “kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước”([15])./.
([1]) Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp năm 2013
([2]) Điều 6 Hiến pháp năm 2013
([3]), (4), (5), (6), (9) và (13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.71, 72, 72, 72, 89 và 173
([7]), (10), (12), (14) và (15) Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
([8]) PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/sinh-hoat-tu-tuong/-/2018/817167/view_content#.
[11]) Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả