Đặt vấn đề

Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức với quyết tâm và kỳ vọng toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân cả nước nỗ lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Là Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò quyết định đến việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Tại Đại hội lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Nhân t có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện…”([i]). Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng phải tiến hành đồng bộ các mặt xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trước hết là hoàn thiện thể chế, vừa tạo cơ sở chính trị cho quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên, vừa định hướng, điều chỉnh, kiểm soát mọi hoạt động trong toàn Đảng để giữ vững vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Theo Đại từ điển tiếng Việt, thể chế là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội”([ii]). Thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là những quy chế, quy định mang tính bắt buộc các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện, bảo đảm sự thống nhất, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đồng thời là căn cứ để phát huy vai trò của toàn xã hội trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Với mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy đảng các cấp phải xây dựng và hoàn thiện thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII đến nay, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở đều quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ, khoa học, hiệu lực, hiệu quả. Nhờ đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được những kết quả nổi bật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, bảo đảm đổi mới chính trị không sa vào chệch hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhưng bền vững và không thế lực thù địch nào, không âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nào phá vỡ được vị thế cầm quyền của Đảng. Kết quả của thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng nửa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII thể hiện ở các nội dung sau:

1. Thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị có vai trò quyết định đến sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đó là việc hoạch định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xác định những vấn đề quan trọng trong sự phát triển của đất nước bảo đảm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đảng đề ra các nghị quyết quan trọng về nhiều lĩnh vực trên cơ sở quán triệt quan điểm: “kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”([iii]). Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 06 nghị quyết chuyên đề về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 06 vùng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, đường lối chính trị về kinh tế được Đảng quan tâm, xây dựng với nhiều nghị quyết quan trọng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm và thứ sáu đã ban hành 04 nghị quyết định hướng cho đổi mới thể chế kinh tế: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với việc đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Trung ương còn ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới xác định trách nhiệm trong tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 12-KH/TW ngày 28/11/2022 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan, đơn vị. Đối với Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với mục tiêu hoàn thiện Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo.

Đường lối chính trị của Đảng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng và toàn xã hội tổ chức thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

2. Thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng và đạo đức

Xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, có vai trò quan trọng trong việc xác lập, định hướng, bồi đắp và bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị cho chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và thực hành chuẩn mực đạo đức trong Đảng và ngoài xã hội. Thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng và đạo đức là những định hướng chỉ đạo, quy chế, quy định để kiên trì, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ, góp phần định hướng nhận thức, xây dựng niềm tin và thúc đẩy hành động của toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn kiên trì, kiên định nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phương hướng công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ là: “Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đây là quan điểm chỉ đạo, định hướng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng trong Đảng và xã hội. Ngay sau Đại hội, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09/3/2021 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 03-HD/BTGTW ngày 18/3/2021 Về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Không chỉ thực hiện sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng và xã hội, toàn Đảng còn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo 35 được thành lập từ Trung ương đến địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm là cơ sở chính trị quan trọng định hướng, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng và đạo đức, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân soi chiếu để kịp thời nhận diện, phát hiện, phòng, chống vi phạm trong cán bộ, đảng viên.

Như vậy, thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, đạo đức trong nửa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII thể hiện trách nhiệm cao của Đảng, các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của Đảng, hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân để xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

3. Thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức

Thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức là những quy chế, quy định về tổ chức và hoạt động của Đảng, về tổ chức, bộ máy và mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị.

Đối với thể chế về hệ thống tổ chức trong Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã ban hành Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng. Những văn bản xác định các nguyên tắc và những nội dung có tính nguyên tắc trong công tác đảng viên; xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng các tổ chức đảng, cơ quan lãnh đạo của Đảng; công tác bầu cử, công tác cán bộ, khen thưởng, kỷ luật... nhằm bảo đảm cho Đảng được xây dựng và tổ chức chặt chẽ, có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, kiểm soát dọc ngang nghiêm túc.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các ngành, lĩnh vực, Ban Bí thư tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn như Quy định số 34-QĐ/TW ngày 14/10/2021 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương; Quy định số 60-QĐ/TW ngày 08/3/2022 về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước; Quy định số 48-QĐ/TW ngày 20/12/2021 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 20/12/2021 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống, Quy định số 113-QĐ/TW ngày 10/7/2023 về thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết chuyên đề: Nghi quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về cng c, nâng cao cht lượng t chc cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên với nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ, hệ thống bảo dảm nâng cao năng lực lãnh đạo, và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.

Để bảo đảm chất lượng hoạt động của các tổ chức trong Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, hàng loạt văn bản được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ban hành như Quy định số 46-QĐ/TW ngày 03/12/2021 của Ban Bí thư Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; Quyết định số 53-QĐ/TW ngày 06/01/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 27/12/2022 về thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên…

Đối với thể chế về các mặt công tác, Đảng ban hành nhiều quy định về các mặt công tác trong Đảng. Trong công tác kiểm tra, giám sát, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Bộ Chính trị ban hành loạt văn bản để chỉ đạo thực hiện, như: Quyết định số 35-QĐ/TW ngày 15/10/2021 về ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quyết định số 53-QĐ/TW ngày 06/01/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ngoài ra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát như Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021 về thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quyết định số 354-QĐ/UBKTTW ngày 22/12/2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ban hành các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; Quyết định số 89-QĐ/TW ngày 01/12/2022 của Ban Bí thư quyết định ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, một trong những nội dung thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nhấn mạnh là thể chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 về Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, công tác sơ kết, tổng kết, tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai mạnh mẽ như lan tỏa tư tưởng chỉ đạo trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng, Đảng đã ban hành các văn bản như: Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền nêu rõ 08 hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Đó là hành lang pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương. Nhờ đó công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, góp phần hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị.

Trong công tác đảng viên, cùng với Quy định số 24-QĐ/TW và Hướng dẫn số 01-HD/TW, Quy định số 37-QĐ/TW, Quy định số 69-QĐ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW, nhiều văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ công tác đảng viên cũng được triển khai cụ thể, chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên như Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW ngày 12/4/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 về nghiệp vụ công tác đảng viên. Hướng dẫn số 59-HD/BTGTW ngày 16/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng dành cho Bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở”; Hướng dẫn số 61-HD/BTGTW về thực hiện chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng; Hướng dẫn số 60-HD/BTGTW ngày 16/6/2022 về thực hiện chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới. Nhờ đó, công tác đảng viên được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Qua quá trình tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII”([iv]).

Trong công tác dân vận, Đảng từng bước thể chế hóa yêu cầu “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” với nhiều văn bản như Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Việc ban hành và thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW là nội dung quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Đối với thể chế về xây dựng tổ chức của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 16-TB/TW ngày 07/7/2022 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII để phù hợp với yêu cầu thực tiễn tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn bộ máy của cả hệ thống chính trị, đồng thời, ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày ngày 30/1/2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Như vậy, thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức là cơ sở để xây dựng hệ thống tổ chức đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

4. Thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ

Đó là những quy chế, quy định về cán bộ và công tác cán bộ nhằm nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, ý thức, trách nhiệm chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp. Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, công tác cán bộ là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt với rất nhiều văn bản nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bộ Chính trị ban hành nhiều văn bản như Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ; Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đối với cán bộ trong một số lĩnh vực, ngành cụ thể, Ban Bí thư cũng ban hành những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như Kết luận số số 33-KL/TW ngày 01/4/2022 về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ giữ chức vụ hàm; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí,…

Đánh giá về hiệu quả công tác này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là ”then chốt của then chốt”; có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, bất kể người đó là ai; không có vùng cấm, không có ngoại lệ”([v]).

Kết luận

Thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các mặt có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, vừa là tiền đề, vừa là điều kiện để thực hiện các mặt của công tác xây dựng Đảng. Những dấu ấn của nửa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII trong thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện quyết tâm của toàn Đảng và hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước với sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Trong những năm tới, toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Vì vậy, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiếp tục thực hiện các quy chế, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, thực hiện, đánh giá thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm qua để hoàn thiện thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng giữ vững vai trò cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 


([i]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.34

([ii]) Nguyễn Như Ý, Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.1555

([iii]) Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới

([iv]) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-bay-hoi-nghi-giua-nhiem-ky-ban-chap-hanh-trung-3923

([v]) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-bay-hoi-nghi-giua-nhiem-ky-ban-chap-hanh-trung-3923