Sign In

Hội thảo khoa học: “Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh”

  19:30 11/12/2024
Thực hiện Kế hoạch hoạt động khoa học năm 2024, chiều ngày 11/12/2024, Học viện Chính trị khu vực II phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học: “Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh”.

Toàn cảnh Hội thảo

Đến tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời, có PGS, TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; ThS. Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; TS. Nguyễn Thị Phương - Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Tạp chí Cộng sản, có sự hiện diện của TS. Đoàn Trường Thụ - Vụ trưởng, Trưởng Ban Chính trị; đồng chí Dương Huy Đức - Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực miền Nam. Về phía Học viện Chính trị khu vực II, có sự tham sự của PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện; TS. Lê Thị Anh Đào - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; các giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện; cùng các chuyên gia, nhà khoa học các trường đại học, trường chính trị trên địa bàn khu vực Đông Nam Bộ.

Ban Chủ trì Hội thảo bao gồm: PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng; TS. Đoàn Trường Thụ.

 

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, giám sát của Hội đồng nhân dân là một trong những chức năng cốt lõi; được Đảng và Nhà nước ta xác định là công cụ quan trọng để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Các chỉ đạo của Đảng cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của Hội đồng nhân dân - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tại địa phương trong việc thực hiện giám sát đối với hoạt động của chính quyền. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị đặc thù.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để thảo luận, đánh giá một cách khách quan và toàn diện về: Những kết quả đã đạt được trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; những khó khăn, hạn chế cần khắc phục; các giải pháp và đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực giám sát trong bối cảnh tổ chức chính quyền đô thị; quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân trong giám sát, kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng mong muốn, với các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu, Hội thảo sẽ mở ra nhiều hướng đi mới, sáng tạo và hiệu quả; giúp tăng cường vai trò của Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân.

 

TS. Đoàn Trường Thụ - Vụ trưởng, Trưởng Ban Chính trị, Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Đoàn Trường Thụ khẳng định, giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị được hiểu là hoạt động mà Hội đồng nhân dân, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đô thị, thực hiện việc kiểm tra, theo dõi và đánh giá các hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan thuộc chính quyền đô thị, nhằm bảo đảm tính hợp pháp, minh bạch và hiệu quả trong việc thực thi pháp luật, chính sách và quản lý phát triển đô thị. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nền quản trị đô thị hiện đại, dân chủ và phát triển.

Để Hội thảo đạt được các mục tiêu đề ra, TS. Đoàn Trường Thụ đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, trao đổi, làm rõ các vấn đề: Thứ nhất, chất lượng của đại biểu Hội đồng nhân dân được thể hiện ở các góc độ chuyên môn như: trình độ hiểu biết về quy hoạch đô thị, kinh tế và môi trường; kỹ năng giám sát, phân tích và đánh giá các chính sách công; thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân trên địa bàn đô thị... Thứ hai, vấn đề sử dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ trong tác nghiệp để tạo thuận lợi cho các đại biểu thực hiện công tác giám sát, phát triển các nền tảng trực tuyến để người dân phản ánh vấn đề, đồng thời tăng khả năng tiếp cận thông tin công khai về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Thứ ba, vấn đề tinh gọn bộ máy và cải cách quy trình giám sát, tăng cường tính linh hoạt trong tổ chức giám sát. Thứ tư, vấn đề tăng cường khả năng tham gia của người dân và cộng đồng xã hội vào quá trình giám sát, nhằm nâng cao tính dân chủ và tính minh bạch trong công tác giám sát. Thứ năm, vấn đề phối hợp, kết hợp giám sát của Hội đồng nhân dân với Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng chính quyền đô thị ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và giá trị tham khảo cho Việt Nam; Đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp giám sát của Hội đồng nhân dân trong việc bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm của chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Một số vấn đề thực tiễn về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Nghĩ về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh từ một câu chuyện; Mô hình khác biệt, khó khăn tương đồng: Một góc nhìn so sánh về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay; Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị - kết quả và một số vấn đề đặt ra; Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng chính quyền đô thị ở một số nước châu Âu và giá trị tham khảo cho Việt Nam; Những điểm mới trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân ở chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay.

 

TS. Đoàn Trường Thụ - Vụ trưởng, Trưởng Ban Chính trị, Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, TS. Đoàn Trường Thụ khẳng định, Hội thảo đã hoàn thành mục đích, yêu cầu, nội dung đề ra. Hội thảo đã được các kết quả, trên các phương diện: Một , những vấn đề tham chiếu của các nước trên thế giới về hoạt động giám sát. Hai là, mức độ hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Ba là, vai trò của thể chế trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Bốn là, cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực hiện hoạt động giám sát. Năm là, năng lực tham gia người dân vào hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Sáu là, nghiên cứu, so sánh hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân từ thực tiễn các địa phương. Bảy là, khó khăn và thách thức trong hoạt động giám sát của ba địa phương: Thành phố Hồ Nội, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tám là, năng lực chuyên môn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Chín là, công nghệ giám sát, sử dụng thành tựu khoa học cong nghệ trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội thảo kết thúc chiều cùng ngày./.

Tag:

Tin và ảnh: Kim Ngân

Alternate Text