Sign In

Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người

  16:14 11/12/2024
hcma.vn - Sáng 11/12/2024 tại Hà Nội , Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người. Hội nghị được kết nối tới các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.

HN_DSC6364

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc giáo dục về quyền con người

Cùng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương; Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội; Thường trực ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố; các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh, thành phố dự tại các điểm cầu trực tuyến.

HN_DSC6382

Đại biểu tham dự Hội nghị thực hiện Nghi lễ Chào cờ

Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam cùng các nước trên thế giới kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12/1948-10/12/2024) và hưởng ứng giai đoạn thứ 5 của chương trình giáo dục quyền con người do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua vào ngày 19/8/2024.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong thệ thống giáo dục quốc dân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới, như trao đổi của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chính là hướng tới mục tiêu “mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”.

Theo đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, trong thời gian vừa qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc. Và trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn, như khát khao tột bậc khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta hằng mong ước. 

HN_DSC6472

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

HN_DSC6402

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị nghe báo cáo Tổng kết 7 năm triển khai thực hiện Đề án do GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện trình bày; ý kiến phát biểu của đại diện 04 Bộ/ngành tham gia ban điều hành Đề án (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và đại diện một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị đánh giá sau 7 năm thực hiện Đề án, cả nước đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên; biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy; tổ chức giáo dục quyền con người cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia vào các hoạt động của Đề án, đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số lĩnh vực khác; người học và công chúng được nâng cao nhận thức và phát huy quyền con người; góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam; thành tựu về giáo dục quyền con người đã lan tỏa tới nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao ở trong và ngoài nước.

HN_DSC6393

Đại biểu tham dự Hội nghị

HN_DSC6450

Đại biểu tham luận tại Hội nghị

Thông điệp quan trọng về bảo vệ và giáo dục quyền con người

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, gửi đi thông điệp về bảo vệ quyền con người và giáo dục về quyền con người của Việt Nam với thế giới, khẳng định đường lối chính sách, tổ chức thực hiện, hướng tới người dân về quyền con người của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, đối với Việt Nam, công tác nhân quyền được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt. Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm mà bất kỳ chính phủ nào cũng phải quan tâm bảo vệ. Trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều coi trọng việc bảo đảm quyền con người.

Chia sẻ về 3 vấn đề: Một số vấn đề về quyền con người và giáo dục quyền con người; kết quả về bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người tại Việt Nam; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của toàn dân, có tính bao trùm toàn diện đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân. 

Hiến pháp năm 2013 có 120 điều thì gồm 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: "Không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội".

HN_DSC6458

Đại biểu tham luận tại Hội nghị

HN_DSC6467

Đại biểu tham luận tại Hội nghị

Những thành tựu đạt được

Thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của quá trình đổi mới và phát triển đất nước; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, sau gần 40 năm đổi mới từ một nước bị tàn phá nặng nề sau nhiều cuộc chiến tranh, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm; Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Các quyền con người cơ bản quyết định yếu tố phát triển toàn diện con người như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền về giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, các quyền tự do dân chủ trên lĩnh vực chính trị, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin; quyền tiếp cận công lý, quyền con người trong tư pháp hình sự… đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Nhà nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, bảo đảm quyền về tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, với các nội dung về bảo vệ môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, quản lý chất thải, kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người.

Đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương, Đảng, Nhà nước dành nhiều nguồn lực quốc gia bảo đảm, bảo vệ quyền của trẻ em, bình đẳng giới, quyền của người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng ít có lợi thế. Đặc biệt, theo Báo cáo Phát triển con người năm 2023-2024 của UNDP ghi nhận Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc (08 bậc) về Chỉ số phát triển con người (HDI) từ 115 lên 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ và Việt Nam, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao trong khu vực.

HN_DSC6397

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện báo cáo tại Hội nghị

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ, toàn diện và cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả Đề án giáo dục quyền con người, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của toàn dân, toàn diện, bao trùm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và do nhân dân làm chủ; là chương trình chính thức, đặt trong tổng thể nền giáo dục Việt Nam lấy "học sinh là trung tâm, thầy cô giáo là động lực, nhà trường là nền tảng", trong xã hội học tập, thực hiện học tập suốt đời.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế.

Tuyên truyền gắn kết giữa giáo dục quyền con người với tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc mà Việt Nam chấp nhận, theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ IV. Triển khai các đề tài nghiên cứu, hội thảo cần có nội dung chuyên sâu và sát hợp với các vấn đề thực tiễn trong nước và thế giới, những vấn đề mới đang đặt ra về quyền con người và giáo dục quyền con người như: xác định đúng nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người phù hợp với các đối tượng khác nhau; các chủ đề nghiên cứu quyền con người trên không gian mạng; phương thức, cơ chế quốc gia bảo đảm, bảo vệ quyền con người; quyền con người trong chuyển đổi số; quyền con người và biến đổi khí hậu; quyền con người và trí tuệ nhân tạo; bình đẳng giới…gắn với quản trị quốc gia.

Cùng với đó, tham gia có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm chung về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.

 

Đối với việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan, các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, phấn đấu cao nhất, hoàn thành tốt nhất tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.

Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đảm bảo thực chất, hiệu quả, chống chủ nghĩa thành tích, Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc bảo vệ nhân quyền và giáo dục quyền con người ở Việt Nam phải được thể hiện trong các nội hàm: con người được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; mọi người được tự do, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, phát huy tối đa lợi ích của bản thân và đóng góp cho cộng đồng, xã hội; người Việt Nam có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân, công tác bảo vệ quyền con người, giáo dục quyền con người ngày càng đạt kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

HN_DSC6539Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh chung

MT, HG

Tag:

Nguồn: hcma.vn

Alternate Text